Chống gian lận thuế GTGT: Kiểm soát chặt từ cửa khẩu

Thứ Năm, 14/11/2013, 12:57
Thời gian qua một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng, thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan để khai khống hàng hóa về số lượng, trọng lượng, chủng loại, trị giá nhằm gian lận thương mại, trốn thuế. Đặc biệt, doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng kẽ hở từ chính sách để thu lợi từ việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Mặc dù đã có những chính sách “siết” chặt nhưng xem ra vẫn khó quản lý bởi DN luôn tìm kẽ hở của chính sách để trục lợi.

Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2013, qua kiểm tra việc hoàn thuế GTGT tại các cục Thuế: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Long An và Bắc Ninh, lực lượng thanh tra đã phát hiện người nộp thuế kê khai thiếu thuế GTGT số tiền gần 66 tỷ đồng; thuế thu nhập DN phải tạm kê khai bổ sung là 330 triệu đồng. Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện là hơn 29 tỷ đồng, Tổng cục Thuế phát hiện hơn 37 tỷ đồng. Đối với cơ quan hải quan, qua thanh tra phát hiện, truy thu số tiền 479 tỷ đồng. Đối với các trường hợp chưa kê khai nộp thuế, cơ quan Hải quan đã yêu cầu DN đến kê khai, nộp thuế và thực hiện phạt chậm nộp với số tiền là 333 tỷ đồng.

Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, mỗi năm đến mùa vụ, số lượng mặt hàng vải thiều xuất khẩu (XK) qua Chi cục Hải quan Cốc Nam, Tân Thanh với số lượng khá lớn, chủ yếu bằng hình thức xuất biên giới, đơn giá XK theo khai báo từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, có những khi DN khai báo lại có giá cao gấp 10 lần so với giá thông thường. Điển hình, trường hợp Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thiên Trường (địa chỉ thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) mở tờ khai XK kinh doanh XK mặt hàng vải thiều, có quy cách đóng gói như hàng XK biên giới nhưng lại có đơn giá XK là 29.000 đến 32.000 đồng/kg.

Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng hóa XNK tại cửa khẩu. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Với trường hợp này, Cục Hải quan Lạng Sơn cũng đã chủ động phối hợp với Cục Thuế Lạng Sơn xác minh giá khai báo đầu vào, đầu ra tránh trường hợp DN lợi dụng khai báo cao để được hoàn thuế GTGT. Cũng trong thời gian qua, Hải quan Lạng Sơn đã có nhiều biện pháp để cảnh báo, phối hợp với cơ quan Thuế khi có xảy ra việc hoàn thuế khống.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nông Văn Vịnh - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, hiện nay Hải quan Lạng Sơn đã triển khai công tác kiểm tra chặt chẽ công tác phòng ngừa và xác minh hàng hóa thực xuất tại các cửa khẩu. Áp dụng việc kiểm tra thực tế, cân định lượng hàng hóa nông, lâm, thủy, hải sản ngay tại cửa khẩu. Bởi, thời gian qua trên địa bàn xảy ra hiện tượng nhiều DN nhập khẩu (NK) hàng nông sản đã qua chế biến từ Trung Quốc vào Việt Nam đang “cố” trốn thuế GTGT nội địa.

Theo quy định, khi DN NK hàng vào nội địa sẽ kê khai với cơ quan Thuế và khi bán ra thị trường thì họ phải nộp thuế GTGT cho sản phẩm đầu ra NK. Tuy nhiên, để “trốn” thuế GTGT nội địa, ngay sau khi NK hàng qua cửa khẩu, một số DN đã viết hóa đơn bán ngay hàng. Điều này đã dẫn đến thất thu cho NSNN mà công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hàng hóa cũng tạo nhiều kẽ hở cho DN lợi dụng.

Để quản lý chặt tình hình này, gần đây, Bộ Tài chính đã có Công văn chỉ đạo Cục Thuế và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc TW tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa XK qua biên giới đất liền. Để tăng cường quản lý hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp XK hàng hóa qua biên giới đất liền, chống gian lận trong hoàn thuế GTGT

Ở góc độ cửa khẩu, ông Nông Văn Vịnh cho rằng, DN luôn luôn tìm kiếm những kẽ hở, sử dụng nhiều thủ đoạn gian lận giá tinh vi như: Khai thấp giá thực tế phải thanh toán, lợi dụng quy định về hàng khuyến mãi, giảm giá để khấu trừ khoản này ra khỏi trị giá tính thuế hoặc không khai báo một số khoản phải cộng như phí bảo hiểm, tiền bản quyền, trị giá phần mềm. Trong khi, cơ sở dữ liệu về giá của hải quan hiện vẫn chưa đầy đủ, tính cập nhật chưa cao nên thời gian qua mặc dù nhiều giải pháp đã được đưa ra để ngăn chặn thực trạng này nhưng xem ra vẫn khó quản lý

Lưu Hiệp
.
.
.