Chôn ống ngầm, xả thải ra sông Đà

Thứ Năm, 18/12/2008, 10:25
Hành vi vi phạm này được Công ty liên doanh Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Hữu Nghị (Công ty Hữu Nghị), có trụ sở tại đường Nguyễn Văn Trỗi, tổ 12, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình thực hiện một cách tinh vi bằng hệ thống cống ngầm, có van nhiều chạc để có thể điều chỉnh hệ thống xả thải công khai, cũng như bí mật.
>> Miwon đầu độc sông Hồng 

Khoảng 200m3 nước thải có chứa hoá chất là xút công nghiệp chưa qua xử lý được xả thải trực tiếp mỗi ngày, đêm ở ngay đầu nguồn sông Đà, gần cửa nhận nước mặt dẫn về cho TP Hà Nội dùng làm nước sinh hoạt. Mỗi khi công ty xả nước, bọt màu vàng lại nổi lên trên diện rộng mặt nước, màu nước nâu đen bốc ra hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân trong khu vực.

Hệ thống ngầm dưới lòng đất và những kiểu ngụy trang

Rạng sáng 11/12, những chiếc xe nối đuôi nhau xuất phát từ trụ sở Cục Cảnh sát môi trường (C36), quận Thanh Xuân (Hà Nội) chở gần 20 cán bộ, chiến sỹ Đội 1 Phòng 3 đến Hoà Bình.

Lúc này, một tổ công tác của Phòng 3 cùng Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) Công an tỉnh Hòa Bình đã ém quân sẵn tại nhiều địa điểm, chờ thời cơ thuận lợi để phá án.

Cho đến 12h cùng ngày, mọi biểu hiện của Công ty Hữu Nghị vẫn diễn ra bình thường. Bữa trưa được mọi người tranh thủ ăn ngay trên xe là bánh mì và nước lọc để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ cho cuộc đột kích.

Cho đến 15h10', phía dưới đập tràn bắt đầu sủi nước, bọt trắng vàng lan ra diện rộng, nước màu nâu đen bốc mùi hôi thối. Đúng lúc này, Thượng tá Phan Mạnh Thông, Phó trưởng Phòng 3 ra lệnh xuất kích.

Thoáng thấy bóng Công an, tại nơi đặt công tắc van điều chỉnh hệ thống xả nước, một nhóm người của công ty định ra điều chỉnh công tắc nhưng đã bị vô hiệu hoá.

Thiếu tá Đinh Văn Hiếu và Thiếu úy Trần Đình Văn, Đội 1 Phòng 3 C36 - những người trực tiếp phá án kể lại rằng, cách đây khoảng một tháng, ngay từ lần đầu đến Công ty Hữu Nghị, các anh đã nhận thấy những khuất tất trong việc xả thải nước ra môi trường của công ty này.

Sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, công ty đã đối phó bằng cách chôn hệ thống ống ngầm sâu dưới lòng đất. Việc xả trộm được tính toán đến từng chi tiết nhỏ. Nếu chỉ nhìn từ ngoài vào, công ty vẫn có hệ thống xử lý.

Tuy nhiên, nếu tinh mắt, có thể nhận thấy bể gom thu nước không lúc nào đầy, các bể lọc có lúc cạn đến đáy trong khi các phân xưởng sản xuất vẫn hoạt động cả ngày lẫn đêm, lượng nước xả thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty Hữu Nghị là khoảng 200m3/ngày, đêm.

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải công khai của Công ty Hữu Nghị.

Các trinh sát đã mất nhiều thời gian và phát hiện có một hệ thống ống ngầm chôn sâu dưới lòng đất. Cửa xả nước thải bí mật nằm dưới một đập nước tự tạo, chảy thẳng ra suối Đúng (sau đó chảy khoảng 2km là ra sông Đà), được ngụy trang bằng các cành cây để giảm bọt và miệng cửa xả thải được lấp bằng các vỏ bao bì và đá hộc, chỉ đến khi xả thải, nước suối mới có màu và mùi hôi thối.

Công ty thường thay đổi quy luật xả thải, trước đây thường xả thải vào sáng hoặc trưa, thời gian gần đây, thường xả thải vào chiều tối để tránh bị phát hiện.

Việc vận hành hệ thống công tắc điện, công tắc van khoá điều tiết nước thải đều có người giám sát chặt chẽ. Hệ thống công tác van khoá được đặt sâu dưới lòng đất khoảng 50cm, đặt trong thùng rỗng như hố ga, nếu đậy nắp lên trên rất khó phát hiện…

Phối hợp phát hiện vi phạm

Chọn đúng thời điểm, các tổ công tác thuộc Đội 1 Phòng 3 C36 đã phối hợp với  PC36 Công an tỉnh Hoà Bình, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình, Công an phường Hữu Nghị đã tiến hành kiểm tra đột xuất, bắt quả tang công ty đang xả nước thải sản xuất giấy chưa qua xử lý ra môi trường.

Được biết, Công ty Hữu Nghị thành lập và hoạt động từ năm 2003 với công suất 2.400 tấn giấy/năm. Nguyên liệu sản xuất đầu vào là tre, nứa, hoá chất sử dụng chủ yếu là xút với khối lượng khoảng 20 tấn/tháng.

Địa điểm sản xuất của công ty nằm sát suối Đúng, cách cửa nhận nước mặt của dự án cấp nước sinh hoạt cho Hà Nội do Vinaconex quản lý ở phía hạ nguồn sông Đà khoảng 10km.

Ông Đặng Học Đường, Tổng Giám đốc Công ty Hữu Nghị đã ký vào biên bản, thừa nhận hành vi vi phạm, xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Tổ công tác đã lập biên bản, thu 3 mẫu nước thải tại cửa xả ra môi trường và tại đường ống xả ra của các phân xưởng sản xuất, gửi mẫu đến cơ quan chức năng phân tích.

Hiện, Cục C36 vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trong gần 2 năm triển khai hoạt động, lực lượng CSMT đã phối hợp phát hiện, điều tra trên 750 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt vi phạm hành chính và truy thu phí môi trường, với tổng số tiền hơn 130 tỉ đồng; cảnh cáo nhắc nhở hàng trăm doanh nghiệp, có hành vi vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự, hoặc xử lý vi phạm hành chính.

Điển hình là vụ Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin nhập 21 máy biến thế cũ chứa chất độc hại PCB; hàng loạt vụ nhập thép phế liệu có lẫn tạp chất (Công ty Anh Trang, Công ty Thế kỷ mới nhập 2.500 tấn, Công ty cổ phần Thép Thành Lợi nhập trên 10.000 tấn…); các bệnh viện: Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hùng Vương, Bệnh viện K thu gom, mua bán chất thải y tế nguy hại…

Đến nay, cả nước có 192 khu công nghiệp, song qua kiểm tra phát hiện trên 70% chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải; trong đó các nhà máy sản xuất về hoá chất, thuốc trừ sâu, phân bón, bột ngọt là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Long Vân

Anh Hiếu
.
.
.