Chợ vùng cao Lào Cai tràn ngập... hàng lậu

Thứ Ba, 02/02/2010, 15:52
Lợi dụng địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, hàng hoá khan hiếm, nhất là sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, lâu nay ở các chợ phiên vùng cao, hàng giả, hàng nhái tập trung khá phổ biến. Càng cận Tết, các loại hàng hoá này lại có đất để tung hoành…

Thực tế từ một phiên chợ vùng cao

Phiên chợ vùng cao thuộc xã Mường Hum, huyện Bát Xát là một chợ phiên điển hình của người vùng cao Lào Cai. Chợ có lịch sử tồn tại hàng mấy chục năm nay, phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hoá của nhân dân Mường Hum và một số xã gần kề. Mỗi tuần chợ có một phiên chính và bà con từ nhiều xã xung quanh mang các sản vật của địa phương xuống trao đổi, mua bán.

Chợ có bán rất nhiều mặt hàng như nông cụ sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng cần thiết, phục vụ đời sống hàng ngày. Cũng như nhiều chợ khác ở mọi nơi, cận Tết Nguyên đán, hàng hóa bày bán ở chợ cũng rất phong phú đa dạng đặc biệt đối với các mặt hàng phục vụ Tết như: bánh kẹo, nước giải khát các loại, mì chính, thậm chí là các loại dược phẩm… Vòng quanh chợ nhiều lần, không khó khăn để chúng tôi có thể tìm thấy các mặt hàng nội địa có đầy đủ nhãn mác, thương hiệu.

Một phiên chợ Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai.

Sau khi vòng đi vòng lại nhiều lần quanh chợ, chúng tôi quyết định bước vào một sạp hàng bách hóa. Đúng phiên chợ chính, lại cận Tết, chị em trong trang phục người Mông, người Dao quây kín cửa hàng mua sắm những đồ dùng ngày Tết. Mặt hàng được nhiều người quan tâm nhất chính là các loại bánh kẹo, nước giải khát.

Có nhiều loại bánh nhưng khi cầm lên xem thì tất cả đều… lạ lẫm. Rất nhiều loại nước giải khát, màu sắc bắt mắt nhưng trên bao bì chỉ in địa điểm sản xuất rất mơ hồ: "Sản xuất tại km Đường Láng, Hà Nội"…(?!), nhưng được bà con mua "nồng nhiệt".

Hầu hết nhãn mác là những cái tên rất xa lạ, nhiều loại còn in chữ Trung Quốc không thể hiểu được. Cũng có nhiều cái tên Việt nhưng xa lạ. Có cả loại bánh bông lan với thương hiệu Kinh Đô, rồi loại mì chính có thương hiệu Ajinomoto, nhưng trên bao bì sản phẩm cũng chẳng hề ghi xuất xứ hàng hoá, hạn sử dụng (HSD)…

Chúng tôi lấy một hộp bánh quy có nhãn hiệu Như Ý, chị chủ hàng niềm nở: "Bánh ngon lắm, các em mua đi". Thấy chúng tôi cứ băn khoăn, chị nói ngay thêm: "Các chú đúng là không phải người miền núi rồi. Ở đây nhiều người mua lắm mà có ai tìm hiểu mấy thứ đó đâu. Không chết người đâu, cứ mua ăn thử đi"...

"Sống trong sợ hãi…(?!)"

Đem thực tế từ các mặt hàng bày bán chẳng rõ ngồn gốc từ phiên chợ vùng cao Mường Hum, trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, ông Nam xác nhận, đây là một thực tế đang tồn tại ở thị trường vùng cao. Lợi dụng nhận thức còn hạn chế của bà con vùng cao, chưa nhận thức được hàng giả và mức độ nguy hại, không đảm bảo sức khỏe, nhiều kẻ đã cố ý tuồn những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường.

Hiện ở Lào Cai có 72 chợ phiên, có nhiều chợ phiên lớn như: chợ phiên Bắc Hà (huyện Bắc Hà); chợ phiên Cán Cấu, Simacai (huyện Simacai); chợ phiên Bát Xát, Mường Hum (huyện Bát Xát)… Có huyện như huyện Mường Khương có tới tận 16 chợ, huyện Bảo Thắng 14 chợ. Các loại hàng hóa kém chất lượng chủ yếu là: bia, nước giải khát các loại, mì chính…

Tuy nhiên bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng buôn gian bán lận này đang gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Chẳng hạn như phương thức của các đối tượng này là bán hàng lưu động và mỗi lần chỉ với một khối lượng hàng hóa nhỏ lẻ. Địa bàn miền núi xa xôi, đi lại khó khăn.

Khi có lực lượng của cơ quan chức năng tìm đến thì chúng đã "cao chạy xa bay", nếu bắt được, xử lý cũng khó bởi khối lượng hàng hóa ít. Mỗi lần để kiểm tra tại một chợ phiên, cán bộ của chi cục quản lý thị trường phải đi từ hôm trước. Trong khi đó lực lượng mỏng, phương tiện không có, đường sá đi lại khó khăn. Chính vì thế mà chi cục cũng không thể quản lý hết được. Quan trong nhất phải là đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân...

Tính riêng trong năm 2009, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã kiểm tra 3.517 vụ (tăng hơn 300% so với năm 2008), xử lý 451 vụ (tăng hơn 90% sơ với năm 2008), trong đó có:120 vụ hàng nhập lậu, hàng cấm; 37 vụ hàng giả; 237 vụ vi phạm về đăng ký kinh doanh, niêm yết giá, nhãn hàng hóa; 57 vụ vi phạm về VSATTP…

Giá trị xử lý là 2,3 tỷ đồng trong đó giá trị hàng hóa tịch thu 2,1 tỷ đồng, hàng hóa buộc tiêu hủy 1,1 tỷ đồng, trong đó có không ít vụ phát hiện, thu giữ tại các chợ phiên vùng cao. Đáng lo ngại nhất, là tình trạng bán các loại dược phẩm (thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc) không rõ nguồn gốc, xuất xứ và cả công dụng như quảng cáo (?!).

Những vụ vi phạm bị phát hiện chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Ngăn chặn những vụ vi phạm về ĐKKD, VSATTP, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các chợ phiên, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng

Mạnh Hà - Phan Hoạt
.
.
.