Chỗ dựa pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ Năm, 30/06/2011, 10:30
Những hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng như sữa nhiễm melamin; thạch rau câu, nước si rô có sử dụng chất tạo đục không đảm bảo; bột nêm tạo ngọt chủ yếu bằng mì chính... và cả vấn đề hậu mãi không như cam kết khi mua các sản phẩm điện tử, gia dụng khiến dư luận công phẫn. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) có hiệu lực từ ngày 1/7 là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử phạt những cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Chỉ hai ngày trước khi Luật BVQLNTD có hiệu lực, tại Trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) khai trương hội chợ “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” (từ 29/6 – 3/7). Đây là một sự kiện nằm trong chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2011 của UBND TP Hà Nội.

Cùng trong dòng người đến hội chợ vào đúng ngày khai trương, chúng tôi kỳ vọng sẽ được mắt thấy, tai nghe về những hành động cụ thể, thiết thực đúng nghĩa “vì quyền lợi người tiêu dùng”. Ghé vào gian hàng bán trái cây miền Nam, chúng tôi được giới thiệu các loại quả: sầu riêng (45.000đ/kg); bưởi (16.000đ/quả); roi (30.000đ/kg)... Khi chúng tôi hỏi về sự đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cô bán hàng cho biết, những sản phẩm bán ở đây không có chất bảo quản. Chúng tôi hỏi tiếp, những loại trái cây này có sử dụng thuốc bảo vệ, thuốc kích thích đúng quy định không thì cô không dám khẳng định bởi việc đó là do người trồng. Cuộc trao đổi ngắn ở trên cho thấy, người bán hàng không mấy quan tâm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Điều đó cho thấy ý thức “vì người tiêu dùng” của họ còn rất hạn chế.

Tại hội chợ này, chúng tôi thấy những gian hàng của các doanh nghiệp có tiếng ở thị trường Việt Nam như Big C, Việt Long, Song Long, rượu vang Thăng Long... Mặc dù có sự tham gia của một số thương hiệu lớn nhưng để lấp đầy 150 gian hàng còn có sự góp mặt của các quầy bán quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đồ tạp hóa...

Nhìn quầy hàng bán quần áo đổ đống kèm theo biển báo giá 30.000đ/chiếc; 25.000đ/chiếc... đủ thấy chất lượng sản phẩm. Đúng là giá rẻ kèm theo chất lượng sản phẩm kém nhưng việc hàng đổ đống có mặt trong hội chợ mang tên “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” gây phản cảm. Đáng buồn nhất là sự nhộm nhoạm về giá khi bán sản phẩm máy massage. Chỉ nhìn giá niêm yết thôi đã khiến khách hàng cảm thấy thiếu tin tưởng. Giá niêm yết của các gian hàng số 49 là: 100.000đ; số 71: 120.000đ; số 67: 80.000đ... Cũng với mặt hàng này ở những gian hàng không niêm yết giá, người bán đòi 150.000đ, 100.000đ...

Bác Phan Bá Kỳ ở Hào Nam, quận Đống Đa cho chúng tôi biết, bác thường đi hầu hết các hội chợ tổ chức tại đây. Bác nêu nguyện vọng: “Hội chợ nên cố gắng đưa hàng tốt, hàng chất lượng, bán giá phải chăng cho đúng với cái tên: “Doanh nghiệp vì quyền lợi người tiêu dùng”. Tại hội chợ này tôi vẫn thấy có mặt hàng chưa thực sự chất lượng. Hiện nay tôi thấy người tiêu dùng vẫn mua hàng theo tâm lý chọn tiếng tăm, tức là mua hàng theo quảng cáo. Nếu doanh nghiệp không quảng cáo trung thực thì người tiêu dùng khó mà biết được”. Đa số khách hàng khi đến đây đều có mong muốn được mua sắm những sản phẩm và tiếp cận với doanh nghiệp thực sự đúng tiêu chí “vì người tiêu dùng”.

Người tiêu dùng quan tâm các sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Ngày 1/7 là “Ngày mua hàng qua điện thoại” thông qua tổng đài 04.1081, nhiều người tiêu dùng lại hy vọng sẽ được tiếp cận với những sản phẩm, dịch vụ thực sự “vì người tiêu dùng”. Hy vọng chương trình này sẽ mang lại kết quả tốt, nhất là khi nó nằm trong kế hoạch triển khai chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” của Hà Nội. Mong muốn này của đa số người tiêu dùng hoàn toàn chính đáng, nhất là khi Luật BVQLNTD có hiệu lực trong nay mai.

Những quy định trong Luật BVQLNTD được đông đảo mọi người quan tâm là quy định rõ hành vi, mức xử phạt đối với việc nói quá về chất lượng, công dụng sản phẩm; không niêm yết giá; giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp sản phẩm... Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng, trong đó có tòa án xử phạt các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Mới đây, Công ty cổ phần Mua sắm Hạnh Phúc (Happy Shopping), một doanh nghiệp bán hàng trên truyền hình bị xử phạt 451,5 triệu đồng do có 8 hành vi vi phạm như: nhập khẩu và bán hàng giả, hàng nhập lậu; kinh doanh hàng mỹ phẩm chưa công bố chất lượng... là bài học cảnh tỉnh những doanh nghiệp bán hàng không đảm bảo. Trên website của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có nêu ý kiến của ông Vương Ngọc Tuấn, phụ trách Văn phòng khiếu nại về trách nhiệm của các đài truyền hình khi phát sóng những chương trình quảng cáo nói sai về chất lượng sản phẩm quy định cụ thể của Luật BVQLNTD xử phạt hành vi này. Khi Luật BVQLNTD có hiệu lực, Hội Bảo vệ người tiêu dùng sẽ phát huy vai trò là cầu nối tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng đến các doanh nghiệp, các cơ quan pháp luật và đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng đã và đang bị một số nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ, công ty truyền thông... xâm phạm bằng chính sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật. Người tiêu dùng mong rằng những hành vi vi phạm trên sẽ được xử lý, ngăn chặn khi Luật BVQLNTD đi vào đời sống

Thái Tuấn
.
.
.