Kỳ họp thứ 9 quốc hội khóa XIII:

Chỉ ra nhiều nơi vi phạm, sao không ai bị khiển trách?

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:21
Trước tình hình hụt thu lớn, Quốc hội đã có 2 quyết định rất quan trọng là thu với cổ tức và phần lợi nhuận để lại của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - là khoản trước đây để lại DN để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất và tăng thu với khoản lãi dầu khí nước chủ nhà được chia thêm 25%.

Thảo luận về tình hình dự toán và quyết toán ngân sách ngày 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội  Phùng Quốc Hiển cho biết: Trước tình hình hụt thu lớn, Quốc hội đã có 2 quyết định rất quan trọng là thu với cổ tức và phần lợi nhuận để lại của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - là khoản trước đây để lại DN để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất và tăng thu với khoản lãi dầu khí nước chủ nhà được chia thêm 25%. Nhờ đó, hụt thu NSTW đã giảm chỉ còn 21 nghìn tỷ đồng.

Nếu theo đúng tinh thần của Quốc hội thì bội chi sẽ được điều chỉnh tương ứng, tức là từ 4,8% lên khoảng 5%. Tuy nhiên, do đang nợ rất nhiều khoản chi, đặc biệt là chi cho an sinh xã hội khoảng 21 nghìn tỷ, nên Chính phủ đã đề nghị Quốc hội nâng trần bội chi lên 5,3%, trong số này có 16 nghìn tỷ chi cho việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ nên chi an sinh xã hội chỉ còn khoảng 5 nghìn tỷ.

Kỳ họp Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Điều đáng nói là sau khi Quốc hội nới trần bội chi, báo cáo quyết toán của Chính phủ cho biết bội chi ngân sách thực của 2013 lên tới 6,6%, với mức tăng chi là hơn 71 nghìn tỷ đồng. Các khoản chi vượt này do 2 nguyên nhân: hoàn trả thuế giá trị gia tăng khoảng 13 nghìn tỷ và tăng chi đối ứng để giải ngân vốn ODA cho các công trình cấp thiết như cầu Nhật Tân, cảng Cái Mép – Thị Vải...

Do hầu hết vượt chi là cho đầu tư phát triển, nên báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách và ý kiến các đại biểu đều cho rằng các khoản chi là hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn đặt vấn đề gay gắt về kỷ luật ngân sách khi dự toán thu và chi đều sai lệch đến hơn 30% so với quyết toán và vượt Nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, dù báo cáo quyết toán là tăng thu hơn 12 nghìn tỷ đồng, nhưng chủ yếu là tăng thu do giá dầu cao hơn dự toán và thu cấp quyền sử dụng đất, còn thực chất là hụt thu. Thất thu thuế, phí, lệ phí, thu khác tại các đơn vị hành chính sự nghiệp chưa được khắc phục. Tại các DN, tình trạng hạch toán, kê khai chi phí tính thuế, tính thiếu thuế còn khá phổ biến. Chuyển giá, tiêu cực cũng gây thất thu... nên vấn đề này cần được đánh giá kỹ hơn. Đại biểu cũng yêu cầu báo cáo chi tiết hơn về bội chi, làm rõ cơ sở pháp lý, danh mục cụ thể, chất lượng sử dụng vốn bước đầu và hướng hoàn trả để Quốc hội có cơ sở khi bấm nút thông qua quyết toán.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đặt vấn đề hụt thu do nợ đọng thuế, như nợ thuế do ngành Thuế quản lý tăng 25 %, nợ thuế do ngành Hải quan quản lý cũng tăng trên 15% cho thấy Bộ Tài chính cần quyết liệt hơn trong truy thu khoản này. Bên cạnh đó, chi chuyển nguồn cũng rất lớn, đến 189 nghìn tỷ. “Trong điều kiện nợ xây dựng cơ bản, nợ công, nợ chính quyền địa phương là rất cao, nhưng tiền bố trí cho xây dựng cơ bản dùng không hết là không bình thường. Trong quyết toán ngân sách 2013, đề nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương sử dụng chuyển nguồn từ xây dựng cơ bản trả nợ xây dựng cơ bản của chính địa phương đó để giảm chi chuyển nguồn” – đại biểu kiến nghị. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) để tránh tình trạng chỗ làm rồi thì chưa được quyết toán, chỗ chưa làm gì thì đã ôm vốn, “xí chỗ” khiến tình hình đất nước được phản ánh thiếu chính xác.

Cũng bày tỏ lo ngại về kỷ luật ngân sách, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề báo cáo kiểm toán đã chỉ ra bộ, ngành, địa phương nào vi phạm, nhưng không thấy đề nghị khiển trách ai cả. “Có nên chỉ rõ ở đâu vi phạm, mức độ thế nào không hay cứ xuê xoa với nhau và năm nào cũng như năm nào. Nếu cần khắc phục thì tôi đề nghị luật Ngân sách Nhà nước sắp thông qua lần này cần giải quyết ngay những tồn tại về mặt thể chế, nếu không sẽ tái diễn chi tiêu không có kỷ cương kỷ luật nào cả. Tôi cũng kiến nghị các nguồn NSNN bổ sung cần giám sát điển hình, đặc biệt những nơi vi phạm để báo cáo Quốc hội, để khi ngân sách bố trí cho địa phương nào thì Quốc hội phải giám sát nguồn tiền đó” - đại biểu Lịch đề nghị. Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển hứa tinh thần quyết toán ngân sách 2014 sẽ được xem xét chặt chẽ theo hướng “không một khoản chi nào ra khỏi Kho bạc nếu không có dự toán”.

Nợ công vẫn ở trong ngưỡng an toàn

Giải trình thêm trước Quốc hội về tình hình bội chi và hụt thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Khoản bội chi 41 nghìn tỷ dành cho 2 khoản: 13 nghìn tỷ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp là khoản phát sinh từ năm 2011 và 29 nghìn tỷ tăng đối ứng để giải ngân vốn ODA. Tính đến 31/12/2013, nợ công ở mức 54,5%, vẫn đang trong giới hạn đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia. 

Về thất thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng sự thông thoáng để gian lận thuế. Bộ trưởng cũng cho biết thêm: Năm 2013, cơ quan Thuế đã tập trung vào kiểm tra, 64.119 doanh nghiệp, số thuế tăng thu là 13.657 tỷ đồng, vượt lên rất nhiều so với năm 2012; giảm khấu trừ 1.234 tỷ đồng, giảm lỗ 15.712 tỷ đồng, “tuy chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng đã có sự chủ động, tích cực”.

Vũ Hân - Quỳnh Vinh
.
.
.