Chênh lệch thu nhập quá lớn giữa các khối công việc tại EVN

Thứ Bảy, 11/02/2012, 11:30
Mức thu nhập của từng vị trí trong tập đoàn, các công ty mẹ - công ty con của Tập đoàn  Điện lực Việt Nam chưa được công khai, minh bạch. Bên cạnh đó là tình trạng chênh lệch quá lớn giữa viên chức quản lý và người lao động trực tiếp sản xuất, giữa các khâu phân phối và sản xuất, truyền tải...

Chiều 10/2, cuộc họp báo công bố về kết quả kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thực sự nóng trước những chất vấn của báo chí xung quanh những kết luận, đánh giá của Đoàn kiểm tra.

Trong đó các vấn đề được người dân quan tâm đến mức thu nhập của từng vị trí trong tập đoàn, các công ty mẹ-công ty con của Tập đoàn chưa được công khai, minh bạch. Bên cạnh đó là tình trạng chênh lệch quá lớn giữa viên chức quản lý và người lao động trực tiếp sản xuất, giữa các khâu phân phối và sản xuất, truyền tải vẫn chưa được giải đáp thấu đáo.

Theo Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương bình quân chung của người lao động sản xuất, kinh doanh điện toàn Tập đoàn năm 2008 đạt 5,794 triệu đồng/người/tháng; năm 2009 đạt 7,064 triệu đồng/người; năm 2010 đạt 7,45 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,46% so với năm 2009. Tổng quỹ tiền lương nêu trên chiếm khoảng 5,5% tổng giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Qua kiểm tra cho thấy, EVN đã cơ bản thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, còn có những tồn tại ở tất cả các khâu, như thông số xác định đơn giá tiền lương; chế độ phụ cấp lương; xác định tiền lương đối với các khối; quy chế trả lương; tiền lương của viên chức quản lý; quản trị lao động, tiền lương và công tác kiểm tra giám sát.

Ngành Điện còn tồn tại nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc. (ảnh minh họa)

EVN có trách nhiệm trong việc quyết định đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương theo đơn giá giữa các khối và giữa các đơn vị trong từng khối chưa phù hợp. Tiền lương bình quân của khối sản xuất và truyền tải cao gấp gần 2 lần với khối phân phối; giữa các đơn vị trong công ty mẹ (cơ quan Tập đoàn cao hơn 2 lần với tiền lương bình quân công ty mẹ).

Việc xây dựng quy chế trả lương trong Tập đoàn chưa được quan tâm, chưa xác định được theo từng vị trí, chức danh công việc để cân đối tương quan với thị trường và gắn với năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. EVN cũng chưa làm rõ được cơ sở của việc phân phối và công khai trong tập đoàn, làm cho dư luận xã hội bức xúc, nhất là trong điều kiện năm 2010, EVN bị lỗ.

Về tiền lương của viên chức quản lý, EVN chưa xét đến mặt bằng tương quan tiền lương của các doanh nghiệp trên thị trường. Tập đoàn cũng chưa xây dựng được quy chế phân phối tiền thù lao theo quy định tại Nghị định số 09 của Chính phủ năm 2009 và Thông tư số 117 năm 2010 của Bộ Tài chính để phân phối tiền thù lao đối với người đại diện phần vốn ở các doanh nghiệp có vốn góp của EVN. Thực tế, một số viên chức quản lý của EVN khi tham gia đại diện phần vốn ở một số doanh nghiệp đã nhận trực tiếp các khoản thù lao do các doanh nghiệp này trả mà không nộp lại cho Tập đoàn để thực hiện phân phối lại theo quy định.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đưa ra các kiến nghị để EVN điều chỉnh và thực hiện tốt hơn cơ chế tiền lương một cách công bằng, công khai minh bạch giữa các khối. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cũng khẳng định từ vấn đề của EVN, Chính phủ chỉ đạo phải xây dựng cơ chế tiền lương công khai, minh bạch. Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ tiếp tục kiểm tra về tình hình thực hiện pháp luật tiền lương tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác.

Thu nhập bình quân chung của cả tập đoàn là: 7,628 triệu đồng; Thu nhập công ty mẹ 14,105 triệu đồng; truyền tải: 11,403 triệu đồng; phát điện: 10,387 triệu đồng; khối phân phối là 6,785 triệu đồng. Thu nhập của Chủ tịch Hội đồng quản trị: 51 triệu đồng. Viên chức quản lý năm 2008 là 32 triệu đồng; năm 2009: 38 triệu đồng; năm 2010: 37 triệu đồng.

Thu Uyên
.
.
.