Chất lượng vẫn kém sau 2 tuần thu phí ATM nội mạng

Thứ Năm, 14/03/2013, 14:05
Dù các NH và đại diện Hiệp hội Thẻ, đại diện cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều khẳng định thu phí giao dịch ATM nội mạng để nâng cao chất lượng, nhưng thực tế, chất lượng dịch vụ vẫn giậm chân tại chỗ, gây nhiều bức xúc cho khách hàng...

Hai tuần sau thời điểm ngày 1/3 - ngày các ngân hàng (NH) được phép thu phí giao dịch ATM nội mạng, bên cạnh những NH lớn ra quyết định “chặt chém” ngay, vẫn còn một số NH tiếp tục miễn phí cho khách hàng, trong khi một số NH khác lại đang rục rịch triển khai thu phí. Song, điều đáng nói là dù các NH và đại diện Hiệp hội Thẻ, đại diện cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều khẳng định thu phí để nâng cao chất lượng, nhưng thực tế, chất lượng dịch vụ vẫn giậm chân tại chỗ, gây nhiều bức xúc cho khách hàng.

Thu phí ATM: Sinh viên, công nhân méo mặt

Bị thu phí rút tiền ATM nội mạng, có lẽ khổ nhất vẫn là giới sinh viên và công nhân - những người “được” nhận lương qua thẻ. Việt An, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, quê ở Nghệ An cho biết: Ngoài tiền học phí đã nộp cho nhà trường theo kỳ, mỗi tháng, mẹ An gửi cho em 2 triệu tiền sinh hoạt phí vào thẻ ATM. Tuy nhiên, An cũng không dám rút hết tiền một lúc mà phải chia làm nhiều lần.

“Mỗi lần, khi cần tiền, em chỉ rút khoảng 200 nghìn đồng, không dám rút nhiều vì đó là tiền sống cả tháng, bọn em con trai, không khéo léo tích cóp được như các bạn gái, nên khi trong túi có tiền, nổi hứng lên vung tay quá trán thì cả tháng nhịn đói. Hơn nữa, dù có ý thức để dành tiền, không bốc đồng chi tiêu quá tay, thì bọn em cũng không dám rút hết tiền, vì mang theo nhiều tiền trong người không an toàn, mà để ở phòng trọ, mình đi học cả ngày thì còn nguy hiểm hơn. Thế nên với 2 triệu đồng, tháng nào em cũng phải chia thành nhiều lần rút tiền, có khi một tháng mà rút tiền cả chục lần”, An tâm sự. Cũng theo tính toán của An, mỗi lần rút tiền mất 1 nghìn đồng, tính mỗi tháng, An cũng mất cả chục nghìn tiền phí.

Nhiều khách hàng còn phàn nàn chất lượng dịch vụ ATM. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Cùng chung nỗi niềm tiếc tiền khi bị thu phí rút tiền ATM nội mạng, Hồng, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV cho biết: Gia đình Hồng quê ở Thanh Hóa có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố đau ốm, mẹ và chị gái Hồng phải bỏ quê đi bán sách dạo tận trong miền Nam. Hồng may mắn hơn khi được cha mẹ cho đi học ở Hà Nội. Dù có đi làm thêm sau giờ học, nhưng Hồng vẫn phải xin thêm tiền của mẹ gửi qua thẻ ATM. “Từ ngày ATM thu phí rút tiền nội mạng, nói thật, em thấy chán nản nhiều. Mẹ em đi bán sách, đội nắng đội mưa, bán được quyển sách lời lãi 1.000 đã mừng húm. Vậy mà số tiền còi cọc tích cóp đó, khi gửi ra Hà Nội, lại phải cõng thêm phí rút tiền, nghĩ mà thấy chua xót. Hoàn cảnh nhà em vất vả, một đồng cũng quý - Hồng nỗi niềm.

Chị Nguyễn Thị Hòa, một công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết: Mỗi tháng chị được hơn 2 triệu tiền lương, trả qua thẻ. Từ ngày biết bị thu tiền phí rút tiền nội mạng, chị cũng tính toán tìm cách để hạn chế lần rút tiền ít nhất, tránh bị thu phí, nhưng tính toán mãi, vẫn thấy không ổn. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, lương vừa cầm trên tay đã thấy không còn đồng nào, thậm chí còn bị âm, nên nhiều khi, thà cứ để dành tiền trong thẻ, cuối tháng còn có tiền mua gạo cho con. Biết là bị thu phí, xót xa đấy, nhưng cũng đành chịu”, chị Hòa chia sẻ.

Thu phí nhưng chất lượng dịch vụ chưa cải thiện

Chị Triều Ninh, một khách hàng sử dụng thẻ ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) bức xúc kể: VCB thu phí từ ngày 1/3 với mức phí thu kịch trần cho phép, nhưng chất lượng chẳng được cải thiện chút nào. Mới nửa tháng thu phí, mà chị đã 2 lần bị cây ATM từ chối không giao dịch.

Ngay như sáng 13/3, vào khoảng 8h30 sáng, khi rút tiền tại điểm ATM của VCB trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1 - TP Hồ Chí Minh), chị bị máy từ chối giao dịch vì lý do hết tiền. Trước đó, vào chiều 6/3, tại cây ATM số 36, 37 trên đường Lương Định Của (quận 2 - TP Hồ Chí Minh), đối diện UBND phường An Phú, chị Ninh cũng gặp sự cố máy báo lỗi, hết tiền.

“Tôi ở gần địa chỉ này, nên mỗi lần cần tiền, đều đến điểm ATM đó rút tiền cho tiện, nhưng rất nhiều lần gặp sự cố máy báo lỗi, hết tiền. Ở trung tâm thành phố lớn, cũng chẳng phải dịp lễ, Tết gì mà còn như thế, thì vào dịp cao điểm nếu ở những nơi khác, dịch vụ sẽ thế nào? Là người dùng thẻ VCB nhiều năm, tôi thường xuyên gặp những rắc rối với các giao dịch của NH này. Có lần, sau khi tôi nhập lệnh rút tiền, máy báo lỗi, trả thẻ và yêu cầu giao dịch lại. Tôi kiểm tra lại tài khoản và thực hiện thao tác giao dịch lần 2, thì máy báo hết tiền, đành chuyển sang máy khác, phát hiện tài khoản của mình đã bị trừ phí giao dịch cho lần rút tiền không thành công trước đó”, chị Ninh phản ánh.

Tất nhiên, đến thời điểm này, ngoài một số “ông lớn” trong ngành NH quyết định thu phí, nhiều NH nhỏ khác như Maritime Bank, DongA Bank, Tienphong Bank... vẫn miễn phí để có thêm khách hàng. “DongA Bank hiện có số lượng thẻ phát hành khoảng 6 triệu, nếu thu phí, chúng tôi sẽ có thêm một nguồn doanh thu không nhỏ. Tuy nhiên, trong thời kinh tế khó khăn, mọi người đều phải “thắt lưng buộc bụng, nhất là đối với nông dân, công nhân nghèo, thì 1.000 đồng cũng có giá trị” - ông Trần Phương Bình - Tổng Giám đốc DongA Bank chia sẻ.

Tuy nhiên, số thị phần mà các nhà băng đang miễn phí giao dịch ATM nội mạng ít hơn nhiều so với thị phần mà các “ông lớn” NH chiếm giữ. Điều này đồng nghĩa với phần lớn chủ thẻ đều đã bị thu phí. Mặt khác, việc miễn phí của một số NH cũng đều có thời hạn, ví dụ Agribank miễn phí 15 ngày, chính thức thu phí từ ngày 15/3, Techcombank cũng chỉ khuyến mại được 1 tháng, và sẽ chính thức thu phí từ ngày 1/4... Như vậy, thực chất của việc miễn thu phí chỉ là “lùi thời hạn” mà thôi, còn “án” thì vẫn treo trên đầu khách hàng, và sớm hay muộn, khách hàng vẫn sẽ phải trả tiền.

Nhận xét về việc thu phí rút tiền ATM nội mạng, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết, ở các nước phát triển, thanh toán không dùng tiền mặt đã phổ biến, còn ở Việt Nam thanh toán vẫn chủ yếu là dùng tiền mặt. Vì thế, các NH cần phải chú ý đến việc phát triển hạ tầng thanh toán thẻ trước khi thực hiện việc thu phí ATM.

Mới đây, Ngân hàng Quốc tế (VIB) áp dụng cách thức: miễn phí rút tiền ATM cả nội mạng và ngoại mạng trong 6 tháng đầu; từ tháng thứ 7 sau khi mở tài khoản, nếu chủ thẻ duy trì số dư 500 nghìn đồng sẽ được miễn phí rút tiền nội và ngoại mạng; hạn mức một lần rút cũng được NH nâng lên tới 10 triệu đồng.

Theo ý kiến một số chuyên gia, cơ chế áp điều kiện số dư tối thiểu và miễn phí giao dịch ATM như VIB có thể tham khảo để mở rộng. Cơ chế này vừa tạo lợi ích cho người dùng thẻ, gắn kết họ với tài khoản, vừa tạo điều kiện để NH có thêm nguồn vốn nhất định cho kinh doanh hoặc đầu tư ngược trở lại cho chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, thực hiện cơ chế này, phía NH cũng nên cân nhắc phân loại khách hàng để có thể hỗ trợ tốt nhất cho người tiêu dùng, vì mức số dư tối thiểu 500.000 đồng như VIB đang áp dụng là quá cao so với thu nhập của một số đối tượng như sinh viên, công nhân…

Hà An
.
.
.