Một số địa phương đột ngột tăng giá vé tham quan:

Chất lượng dịch vụ chưa tương xứng, lượng khách giảm

Chủ Nhật, 11/01/2015, 10:49
Giá vé tham quan tại một số điểm đến trong nước thời gian qua đột ngột tăng mạnh, khiến doanh nghiệp (DN) không kịp trở tay. Hệ lụy là lượng khách giảm xuống gây thiệt hại cho cả điểm đến và DN lữ hành là cái hại nhìn thấy rõ nhất trong thời gian qua.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định tăng giá vé tham quan các hang động Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng kể từ ngày 1/1/2015. Cụ thể, giá vé tham quan động Thiên Đường tăng từ 120.000 đồng lên 250.000 đồng; vé dành cho trẻ em cao từ 1,1m đến 1,3m có mệnh giá 125.000 đồng (giá cũ 60.000 đồng). Giá vé vào động Phong Nha và Tiên Sơn lần lượt tăng lên 150.000 đồng và 80.000 đồng (giá cũ là 80.000 đồng và 40.000 đồng).

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã công bố quyết định tăng giá vé đối với các di tích trong quần thể di tích cố đô Huế. Theo đó, từ tháng 4/2015, du khách trong nước và quốc tế đều có chung mức phí. Cụ thể, đối với Hoàng cung (Đại Nội - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế), giá vé dành cho người lớn là 210.000 đồng, trẻ em là 60.000 đồng. Tại các khu di tích lăng mộ, cung, điện… khác, giá vé dành cho người lớn dao động từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng; trẻ em từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng. Mức giá nói trên đã cao hơn đáng kể so với mức giá hiện hành.

Cách đây 4 tháng, giá vé tham quan tại các điểm du lịch ở Lào Cai đã tăng gấp 3 lần so với trước đó. Kể từ tháng 11/2014, tất cả các khu du lịch tại Đà Lạt đã tăng giá vé tham quan lên gấp đôi. Năm 2013, khu du lịch Trường An - Bái Đính tăng giá vé lên 60%. Trong vòng chưa đầy một năm, điểm du lịch Tam Cốc (Ninh Bình) tăng giá vé tham quan từ 70.000 đồng lên 130.000 đồng, rồi tăng tiếp 195.000 đồng...

Lý giải về sự tăng giá vé tham quan, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, giá tham quan di tích lịch sử - văn hóa Huế (thuộc quần thể Di tích cố đô Huế) hiện thấp hơn nhiều so với các khu di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh tại một số nơi trong nước và khu vực, do vậy, cần thiết phải tăng nhằm mục tiêu phát triển bền vững và chủ động hơn về nguồn lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa Huế. Đây cũng là lý do phổ biến mà các địa phương viện dẫn khi trả lời các câu hỏi liên quan vấn đề tăng giá vé tham quan di tích, danh thắng.

Tuy nhiên, sự tăng giá vé đột ngột của địa phương đang làm khó DN, nếu không có sự điều chỉnh về chất lượng dịch vụ tương xứng thì nguy cơ giảm lượng khách là rất rõ. Vì như chia sẻ của bà Đặng Bích Thọ, Giám đốc Công ty Du lịch Phượng Hoàng: "Từ ngày 1/10/2014, Lào Cai bỗng nhiên tăng giá vé tham quan ở núi Hàm Rồng từ 30.000 đồng lên 100.000 đồng. Khi giá vé là 30.000 đồng, 100% khách đến Sa Pa tìm lên núi Hàm Rồng, khi tăng giá thì chỉ còn khoảng 20% và đó là những khách đã được xác nhận. Gần đây, Lào Cai rút giá xuống còn 70.000 đồng nhưng khi đó thì nhiều công ty du lịch đã quen với việc không gửi khách lên nữa. Rõ ràng, quyết định vội vàng đã làm ảnh hưởng ngay đến doanh thu của chính họ".

Bà Vũ Thị Hằng- Công ty TransViet Travel cũng cho rằng, hiện nay giá tour ở Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực, khiến du lịch Việt Nam kém sức cạnh tranh. Thực tế, người Việt đi du lịch trong nước đắt hơn đi du lịch một số nước, nên sẽ đẩy khách Việt đi du lịch nước ngoài. Như xu hướng Tết Nguyên đán năm nay, lượng khách đặt tour đi nước ngoài tăng mạnh.

Nhiều địa phương tăng giá vé tham quan không theo lộ trình ảnh hưởng tới du khách và DN lữ hành. (Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ)

Lý giải về phần được và mất, ông Trần Anh Giang- Phó giám đốc Công ty CP truyền thông du lịch Việt cho rằng, thực tế giá vé tham quan di tích, danh lam thắng cảnh chỉ mang lại một phần lợi rất nhỏ so với những dịch vụ khác như ăn uống, mua sắm, thuê phòng nghỉ… Với những hợp đồng ngắn hạn đã chào bán với khách hàng thì công ty du lịch có thể không tăng giá vì số này không quá nhiều; với những hợp đồng dài hạn thì khác, nhưng đã chốt giá rồi mà công ty lại tăng giá thì khách sẽ không hài lòng, uy tín giảm sút ngay. Bởi vậy, các công ty du lịch sẽ phải chịu mất số tiền này.

Việc tăng giá vé tham quan để lấy tiền đầu tư cho chất lượng dịch vụ của điểm đến tốt hơn là hợp lý. Tuy nhiên, để nhận được sự đồng tình của du khách và DN lữ hành thì các địa phương phải tăng vé theo một lộ trình rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, phải bảo đảm chất lượng dịch vụ của điểm đến có mức tăng tương xứng với giá vé tham quan.

Trân Trân
.
.
.