Chất cấm, xuất khẩu tôm và câu chuyện “bán hàng thời hội nhập”

Thứ Hai, 23/06/2014, 13:58
Việc con tôm bị đặt barie trên đường vào thị trường Nhật Bản cũng có khía cạnh tích cực là thay đổi suy nghĩ của những người chăn nuôi thủy sản. Qua rồi, thời kỳ có thể sử dụng bất cứ chất cấm nào trong thức ăn hay bất cứ loại kháng sinh nào trị bệnh. Muốn ra thị trường thế giới phải theo “luật chơi” quốc tế.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu nhưng vô cùng khắt khe với những sản phẩm làm thực phẩm. Người tiêu dùng Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến VSATTP. Vài năm trở lại đây, dù xuất khẩu tôm sang Nhật vẫn tăng nhưng tôm Việt Nam liên tục gặp rào cản tại thị trường này do trong con tôm Việt có dư lượng chất cấm mà người Nhật cực kỳ nghi ngại. Hết Trifluralin tới Enrofloxacin, rồi Ethoxyquin và câu chuyện của năm 2014 là Oxytetracycline.

Theo thống kê của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), 4 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Nhật Bản tăng 31,9% về giá trị nhưng khối lượng giảm 40,2%. Các chuyên gia thủy sản nhận định, quy định kiểm tra kháng sinh Oxytetracycline (OTC) là nguyên nhân chính dẫn tới giảm lượng tôm xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) từng cảnh báo, phía Nhật Bản đang cân nhắc lấy nguồn tôm từ Ấn Độ và Indonesia thay cho Việt Nam, do 2 nước này đã khắc phục triệt để khi tôm của họ bán vào Nhật có sự cố. Một số nhà nhập khẩu từ Nhật Bản đang tiến hành hướng dẫn nhà máy bên Ấn Độ làm hàng tôm duỗi thay thế cho các đơn hàng mua từ Việt Nam.

Theo các chuyên gia của VASEP, tôm sú chính là ưu thế của Việt Nam so với các nhà cung cấp khác bởi Việt Nam hiện là nước sản xuất tôm sú lớn nhất trên thế giới với sản lượng ổn định. Trong khi giá tôm chân trắng đang có chiều hướng giảm bởi nguồn cung loại tôm này gia tăng nhờ sản xuất tại nhiều nước cải thiện hơn sau “bão” EMS (hội chứng tôm chết sớm) thì giá tôm sú trên thị trường thế giới nói chung và trên thị trường Nhật Bản nói riêng vẫn ở mức cao. Đây chính là cơ sở chính giúp giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản duy trì tăng trưởng mạnh.

Thêm nữa sau khi Nhật Bản có cảnh báo về OTC, cơ quan có thẩm quyền và các doanh nghiệp của Việt Nam đã có những động thái tích cực để thay đổi nhằm thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường này. Bộ NN&PTNT đẩy mạnh công tác hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình sử dụng các chất kháng sinh đúng cách, không làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm khi thu hoạch. Bộ cũng chỉ đạo nghiên cứu các chất kháng sinh thay thế, vừa phòng bệnh cho thủy sản, vừa đảm bảo độ an toàn thực phẩm theo đúng quy định của các thị trường nhập khẩu. Và đã có những tín hiệu lạc quan. VASEP cho hay, thống kê các lô hàng thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản bị cảnh báo 4 tháng đầu năm nay cho thấy, số lô tôm nhiễm OTC vượt quá ngưỡng cho phép là 0,2 ppm đã giảm đáng kể, từ 4 lô trong tháng 3 xuống còn 1 lô trong tháng 4.

Việc con tôm bị đặt barie trên đường vào thị trường Nhật Bản cũng có khía cạnh tích cực là thay đổi suy nghĩ của những người chăn nuôi thủy sản. Qua rồi, thời kỳ có thể sử dụng bất cứ chất cấm nào trong thức ăn hay bất cứ loại kháng sinh nào trị bệnh. Muốn ra thị trường thế giới phải theo “luật chơi” quốc tế. Dường như người chăn nuôi, nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng dần dà hiểu ra điều này. VASEP đã lạc quan dự báo, thị trường với kim ngạch khoảng 700 triệu USD này sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn trong năm nay. Dù có một số va vấp do OTC mang lại

Chi Linh
.
.
.