Chặn gà nhập lậu, giá gà nội địa tăng

Chủ Nhật, 30/12/2012, 09:38
Giá gà tăng từ 10-15%, cá biệt có loại gà còn tăng đến 80-90% so với mấy tháng trước đấy. Đó là ghi nhận của chúng tôi khi có mặt tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) lúc 6h ngày 19/12. Vấn đề người tiêu dùng quan tâm là, ngoài tăng giá, chất lượng gia cầm cũng như việc kiểm soát chúng đến tận bàn ăn được thực hiện như thế nào?
>> Bất cập việc kiểm dịch ở biên giới

Gà thải loại của Trung Quốc làm khốn đốn người nuôi gà trong nước

Đàn gà già, lông xơ xác, dấu hiệu của gà siêu trứng thải loại của Trung Quốc nhưng chủ hàng hét giá 85.000đ/kg. “Hôm nay, có ít nên bán rẻ đấy. Hôm qua tôi còn bán 90.000đ/kg”, chủ hàng nói. Hóa ra, đây là loại gà mía siêu trứng, loại gà nuôi để lấy trứng bị loại ra bán gà thịt. Vì sao loại gà này lại có giá cao như vậy? Đặc tính thịt dai, da giòn của nó khiến nhiều người tiêu dùng ưa thích. Nếu không tận mắt nhìn thấy đàn gà lông xác xơ này mà chỉ nhìn trên đĩa, tôi tin chắc nhiều người đều nghĩ đấy là đặc sản. Hồi tháng 7, loại gà này có giá 60.000 – 65.000đ/kg, đến tháng 9, giá đẩy lên từ 75.000 – 80.000đ/kg. Tìm hiểu, chúng tôi được biết không chỉ gà mía siêu trứng mà đa số các loại gia cầm ở đây đều tăng giá.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gia cầm của Ban chỉ đạo 127, UBND huyện Thường Tín, trước 31/7, mỗi ngày có 5 tấn gà ta từ Bắc Giang nhập về chợ Hà Vỹ, giá 45.000 – 50.000đ/kg; gà công nghiệp 10 tấn/ngày, giá 30.000 – 33.000đ/kg; gà thải loại Trung Quốc 28 tấn/ngày, giá 45.000 – 47.000đ/kg. Trong các tháng 8, 9, giá gà các loại tăng từ 10-20%...

Theo khảo sát của chúng tôi sáng 19/12, gà ta Bắc Giang có giá 98.000đ/kg; gà công nghiệp 55.000đ/kg; gà mía siêu trứng 85.000 – 90.000đ/kg. Như vậy, so với trước tháng 7, giá gà đã tăng đến mức chóng mặt, có loại tăng đến 50 – 60%.

Điều gì khiến giá gà tăng cao như vậy? Câu trả lời của anh Thắng, chủ hàng gà ta Bắc Giang cho rằng, đó là do không còn gà thải của Trung Quốc. Theo báo cáo vừa nêu trên vào thời điểm tháng 7, mỗi ngày có tới 28 tấn gà loại này nhập vào chợ Hà Vỹ, nhiều hơn tổng số gà các loại nhập vào đây. Gà thải loại Trung Quốc chiếm ưu thế về giá đã đánh bại gà nuôi trong nước làm cho người chăn nuôi gia cầm khốn đốn. Đấy là chưa kể đến chất lượng thịt kém, tồn dư kháng sinh cao mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. “Cuộc chiến” chống gà thải loại của Trung Quốc thực sự bùng nổ vào các tháng 8, 9, 10 khi các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt lên tiếng. Các ngành chức năng cũng như Chính phủ đã vào cuộc và nhanh chóng đẩy gà thải loại của Trung Quốc ra khỏi phạm vi chợ. Như ghi nhận của chúng tôi vào sáng 19/12, gà Trung Quốc không có mặt tại đây.

Gà mía (gà siêu trứng) xơ xác, rụng lông, giá tăng chóng mặt.

Thả nổi việc kiểm dịch gà lông ở các chợ nội thành

Việc gà thải loại của Trung Quốc vắng mặt ở chợ gia cầm Hà Vỹ là tín hiệu đáng mừng cho ngành chăn nuôi nước ta. Người chăn nuôi vì thế yên tâm hơn trong việc đầu tư, chăm sóc đàn gia cầm của mình. Tuy nhiên, không thể vì thế mà coi nhẹ việc kiểm soát chất lượng cũng như trách nhiệm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ của gia cầm cho người tiêu dùng. Theo chúng tôi được biết, hiện nay gia cầm muốn bày bán tại chợ Hà Vỹ phải có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, trong đó có cả xác nhận của trạm thú y thuộc Đội công tác liên ngành đóng tại chợ. Sau khi đóng dấu kiểm dịch, trạm thú y sẽ thu lại giấy tờ chứng minh nguồn gốc gia cầm.

Xem hồ sơ của một lô hàng 1.650 con gà thịt của chủ hàng Nguyễn Đình Kỳ, ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chúng tôi mới thấy rõ chặng đường vượt hàng nghìn kilômet của số gia cầm này. 1.650 con gà thịt xuất phát từ trại gà bố mẹ Emivest, Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và nơi đến cuối cùng là chợ Hà Vỹ đã vượt qua 24 trạm kiểm dịch. Trạm kiểm dịch đầu tiên đóng dấu đủ tiêu chuẩn là Bình Phước, các trạm tiếp theo bám trục đường 1A từ Bình Phước ra Hà Nội đóng dấu phúc kiểm. Khi đến chợ Hà Vỹ, lại tiếp tục được thú y kiểm tra hồ sơ và đóng thêm một dấu đủ tiêu chuẩn kiểm dịch nữa. Hồ sơ sẽ được trạm thú y của chợ Hà Vỹ thu lại để lưu trữ. Đến lúc đó, số gà này mới được đưa ra tiêu thụ tại chợ. Vì là chợ đầu mối nên số gia cầm trên nhanh chóng được tiêu thụ. Tuy nhiên, số gà trên không thể có mặt ngay trên bàn ăn của các gia đình mà từ chợ Hà Vỹ, nó lại đi tiếp đến các chợ trong nội thành. Chặng đường tiếp theo của nó lại đặt ra nhiều vấn đề.

 Do Hà Vỹ là chợ đầu mối, chuyên bán buôn gia cầm nên nhiều người đến đây mua buôn đem đi các chợ khác bán. Thế nhưng, khi gia cầm ra khỏi chợ, chủ hàng không hề được cấp một loại giấy tờ nào chứng minh mặt hàng này đã được kiểm dịch và có nguồn gốc xuất phát là chợ Hà Vỹ. Lý do là UBND thành phố Hà Nội có quy định cấm giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm trong nội thành. Ông Nguyễn Lê Ngà, cán bộ Trạm thú y Hà Vỹ cho biết, đấy là lý do khiến gia cầm có xuất xứ từ chợ Hà Vỹ không được cấp giấy kiểm dịch.

Thực tế, lệnh cấm giết mổ gia súc, gia cầm của UBND thành phố Hà Nội có được thực hiện nghiêm không? Hiện nay, để mua một hay cả trăm con gà lông (gà còn sống) ở nội thành Hà Nội rất dễ. Không chỉ ở chợ cóc mà cả những chợ lớn cũng để bày bán loại gà vẫn còn gáy ò ó o. Thú y không dám kiểm dịch (vì nếu làm sẽ sai quy định của thành phố), song gà lông vẫn bán công khai. Gà lông không chỉ có xuất xứ từ chợ Hà Vỹ mà còn từ các khu vực lân cận được đưa đến các chợ ở nội thành. Tất cả đều không có dấu kiểm dịch và không được kiểm dịch. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nghịch lý là ở chỗ, cơ quan thú y có chức năng làm việc này nhưng lại không làm vì sợ đóng dấu kiểm dịch vào gia cầm còn sống là trái với quy định của UBND thành phố. Phải chăng, thành phố nên có sự điều chỉnh hoặc có biện pháp nào đó để không thả nổi số gia cầm còn sống cả nghìn con đang hàng ngày được tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn Hà Nội.

Trong khi việc kiểm dịch gia cầm từ khâu xuất xứ đến chợ đầu mối Hà Vỹ được thực hiện rất nghiêm ngặt thì đầu ra từ chợ Hà Vỹ lại bị bỏ ngỏ. Rõ ràng đây là một nghịch lý cần phải khắc phục. Mặc dù cầm trên tay những con gà mào đỏ chót nhưng người tiêu dùng không hề biết, nó có xuất xứ từ đâu. Người bán bảo nó từ Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh... thì người mua tạm tin là như vậy. Chỉ là chuyện con gà nhưng rất nhiều ngành chức năng vào cuộc (thú y, Quản lý thị trường, Công an, chính quyền địa phương). Thế nhưng, đến nay người tiêu dùng vẫn bị đưa vào thế hiểu biết rất mù mờ về nguồn gốc, chất lượng của nó. Họ rơi vào tình cảnh vừa ăn, vừa thấp thỏm là vì thế

Cao Hồng – Trần Hằng
.
.
.