Cây trồng biến đổi gen và niềm hy vọng cuộc cách mạng xanh

Thứ Bảy, 11/08/2012, 21:35
Để đạt được mục tiêu của Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, diện tích trồng các giống cây lương thực, cây nguyên liệu… biến đổi gen của cả nước chiếm từ 30 – 50% diện tích, các nhà khoa học trên đều cho rằng vấn đề trồng những loại cây lương thực biến đổi gen làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cần được đẩy mạnh.

Theo TS Dương Hoa Xô – Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, hiện tại diện tích trồng ngô của cả nước mới đạt 1,1 triệu hécta, tổng sản lượng đạt 4,6 triệu tấn/năm.

Trong đó, diện tích trồng ngô lai đã chiếm trên 90% nhưng năng suất bình quân cũng chỉ đạt 41 tạ/ha, thấp hơn nhiều so với năng suất bình quân của thế giới là 51,6 tạ/ha, của Hoa Kỳ là 96,5 tạ/ha. Hiện nay nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi trong nước hàng năm rất lớn, mỗi năm cả nước phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn ngô.

Năm 2011 vừa qua giá trị nhập khẩu ngô tiêu tốn 327 triệu USD; riêng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đậu nành, ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi đã lên tới 2,37 tỷ USD trong năm 2011.

GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam bổ sung thêm: Để sản xuất ra trên 4,3 triệu tấn thịt các loại phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hàng năm ngành chăn nuôi, thủy sản tiêu tốn khoảng 15 – 16 triệu tấn thức ăn.

Năm 2011, tổng giá trị nhập khẩu các loại nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi của cả nước như đậu nành, ngô, bột cá, bột xương… đã tiêu tốn đến 3,7 tỷ USD. Nhưng trong khi lượng ngô nhập khẩu đã giảm được 1/3 trong 2 năm qua, thì lượng đậu nành nhập khẩu về sản xuất thức ăn chăn nuôi lại tăng 550 ngàn tấn trong vòng 2 năm qua do khó khăn trong việc phát triển vùng nguyên liệu.

GS.TS Bùi Chí Bửu còn cho rằng, nguồn ngô và đậu nành nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi này nhiều khả năng cũng là thực phẩm biến đổi gen. Lý do, hiện 64% diện tích trồng đậu nành và 17% diện tích trồng ngô của thế giới là sản phẩm biến đổi gen. Trong khi đó, đến nay trên cả nước mới có 7 mô hình trồng ngô biến đổi gen được cấp phép trồng khảo nghiệm trên diện rộng và 6 mô hình được công nhận sử dụng tạm thời làm thức ăn chăn nuôi.

Đồng quan điểm trong vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Bình – Trung tâm công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, nồng độ sử dụng thuốc trừ sâu ngày càng cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng tới các loại động thực vật khác. Nhưng với cây trồng biến đổi gen có thể dễ dàng tạo ra các loại vi khuẩn hoặc gen kháng sâu bệnh.

Trên thế giới, sản phẩm từ cây trồng sử dụng công nghệ sinh học đã được mua bán trên diện rộng suốt 14 năm qua nhưng chưa gây ra bất kỳ sự cố nào về sức khỏe. Cây trồng biến đổi gen chiếm 77 sản lượng đậu nành; 49% sản lượng bông và 26% sản lượng ngô toàn cầu. Năm 2011 vừa qua đã có 29 quốc gia trồng 160 triệu hécta cây trồng biến đổi gen và có 32 quốc gia đã cho phép nhập khẩu cây trồng sử dụng công nghệ sinh học.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu của Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, diện tích trồng các giống cây lương thực, cây nguyên liệu… biến đổi gen của cả nước chiếm từ 30 – 50% diện tích, các nhà khoa học trên đều cho rằng vấn đề trồng những loại cây lương thực biến đổi gen làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cần được đẩy mạnh

Đ.T.
.
.
.