"Câu giờ" trong xét xử dân sự

Thứ Tư, 13/06/2007, 15:56
Một vụ án dân sự kéo dài gần 16 tháng nhưng TAND huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa thể tiến hành xét xử phiên sơ thẩm. Một trong những lý do khiến vụ án kéo dài là các bị đơn cố tình thay phiên vắng mặt trong các lần hòa giải cũng như được tòa triệu tập để tiến hành xét xử….

Theo biên bản thỏa thuận được lập ngày 17/11/2004 thì bên A (gồm các ông: Nguyễn Phước Hùng, Phạm Tiến Bình, Trần Văn Bến và Bùi Hữu Phương) sẽ trả cho bên B (ông Bùi Hữu Nhân) 400 triệu đồng để đổi lại việc bên A sẽ nhận toàn bộ việc quản lý, điều hành hoạt động vận chuyển hành khách tại bến đò cầu Phú Cường từ Bình Mỹ (Củ Chi) sang thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Phương thức thanh toán là bên A sẽ trả cho bên B chia thành 8 lần (mỗi lần 50 triệu đồng), mỗi lần cách nhau ba tháng. Tuy nhiên, sau đó bên A thanh toán cho bên B được 3 lần (150 triệu đồng) thì ngưng không thanh toán nữa.

Từ đó, ông Nhân nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Củ Chi để yêu cầu bên A phải thanh toán hết số tiền còn lại theo thỏa thuận và được tòa án thụ lý vụ án vào ngày 23/1/2006. Tuy nhiên, TAND huyện Củ Chi cứ loay hoay chuyện hòa giải vì phía bị đơn không có mặt đầy đủ. Ngày 6/6/2007, TAND huyện Củ Chi mới đưa vụ án ra xét xử. Và phiên tòa này lại vắng mặt ông Bến.

Ông Nhân bức xúc: "Không chỉ tòa án huyện Củ Chi ngâm vụ án này mà các bị đơn cũng cố tình lách luật để kéo dài vụ án nhằm làm cho nguyên đơn nản lòng mà bỏ cuộc".

Bức xúc của ông Nhân là có cơ sở, bởi lẽ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì khi bị đơn được tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vắng mặt thì tòa án vẫn tiến hành xét xử.

Tuy nhiên, trong vụ án này bị đơn gồm có nhiều người và nếu họ tiếp tục cố tình xoay tua vắng mặt tại tòa thì vụ án sẽ kéo dài thêm nhiều tháng nữa. Đây là một kẽ hở của pháp luật mà trên thực tế đã có nhiều bị đơn áp dụng để làm khổ cho nguyên đơn

M.T.P.
.
.
.