Đổ xô đi lùng mua cau non giá cao xuất bán sang Trung Quốc
Tận thu cau non!
Dạo quanh một vòng khu vực nông thôn huyện Núi Thành, Phú Ninh và cả huyện miền núi Tiên Phước, đâu đâu cũng thấy cảnh tấp nập người đi thu mua cau non. Những trái cau non chỉ to bằng ngón chân cái đã bị người dân bán cho người thu mua cau với giá giao động từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg (cách đây khoảng một tháng, giá cau lên đến 20.000 đồng/kg).
Cau non được thương lái thu mua với giá cao ngất ngưỡng, có lúc đến 20.000 đồng/kg. |
Ông Hồng, một người dân ở Tiên Phước, Quảng Nam, nhà có hai hàng cau trồng chục năm tuổi cho biết, chưa năm nào thấy giá cau lại đắt như năm nay, mấy năm cau giá rẻ như bèo, có cho họ cũng không hái, để già rồi rụng đầy gốc. “Năm nay, mới tháng 6 đã có người đi thu mua cau rồi, họ toàn thu mua cau non, giá cao gấp 5 lần mọi năm. Hôm qua tôi hái hai cây xuất bán gần 50kg, bán với giá 15.000 đồng/kg, họ mua cau thì mình bán chứ không biết mục đích của họ mua cau non làm gì…” - ông Hồng nói.
Có mặt tại cơ sở thu mua cau của ông L. (ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam), tại đây hàng chục công nhân đang phân loại cau đã sấy khô. Còn bên trong khu vực lò sấy, hàng chục công nhân khác đang tất bật bẻ trái cau từ buồng ra để đưa vào lò hấp, rồi vào lò sấy khô.
Ông L. (chủ cơ sở) cho biết, cơ sở ông thu mua cau mấy chục năm nay, đa số mua cau non về sấy, sau đó xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Đầu tháng 6 vừa rồi, giá cau non 1kg ông thu mua đến 20.000 đồng, nhưng nay hạ còn 12 đến 15.000 đồng/kg. Do số lượng cau hiện tại quá nhiều, bình quân mỗi ngày ông L. thu gần 20 tấn cau non, cứ 7kg cau non sấy khô còn 1kg, giá xuất bán sang Trung Quốc giá 115.000 đồng/kg. “Bình quân mỗi tháng tôi xuất bán sang Trung Quốc mấy chục tấn cau non sấy khô, cứ mỗi tấn họ mua 115 triệu đồng, đa số cau Trung Quốc thu mua về chế biến thành “kẹo cau”, chứ không phải như tin đồn là sản xuất hay chế biến thuốc tránh thai…” - ông L cho biết.
Cau non sau khi được sấy khô, chuẩn bị xuất bán sang Trung Quốc. |
Trung Quốc mua cau non để làm kẹo!?
Ông L. vào nhà mang một bịch kẹo làm từ cau ra để chứng minh lời nói của mình với P.V. Theo quan sát của chúng tôi, có hai loại kẹo làm bằng cau được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt. Ông L. mở một gói kẹo cau ra cho chúng tôi ăn thử, mùi kẹo cau thơm có mùi the the như kẹo bạc hà. “Họ mua cau của mình về, sau đó sấy và nấu cho tan hết hạt nhân của cau ra ngấm vào xát cau, sau đó họ ngâm với hương vị bạc hà để làm kẹo, nên có hương thơm như kẹo bạc hà. Mỗi gói kẹo khoảng chục miếng cau (trái bổ đôi), giá bán 50.000 đồng/gói, như vậy mỗi miếng kẹo cau như vậy nghe nói đâu 5.000 đồng/miếng” - ông L chia sẻ.
Theo ông L. cau non được xuất sang Trung Quốc rồi họ sản xuất, chế biến thành kẹo cau (Trong ảnh: ông L giới thiệu kẹo cau với PV) |
Trao đổi với ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết: “Cau không phải cây trồng chính nên Sở không nắm được số liệu diện tích cụ thể. Việc thu mua cau non xuất hiện trên địa bàn, Sở đã biết nhưng chính do biến động về giá cả khó dự báo và cũng không phải cây trồng chi phối lớn trong thu nhập của nông dân, nên cứ để nông dân họ quyết định hái cau non, vì hái cau non cũng không ảnh hưởng hay hại gì đến cây cau.…”
Lâu nay thương lái Trung Quốc chuyên thu mua nhiều mặt hàng nông sản của nông dân như đỉa, rễ cau, lá mãng cầu, lá điều,…Sau khi thương lái ta thu gom xong, thương lái Trung Quốc “chơi trò” không thu mua nữa và hạ giá. Nhiều thương lái đã thua lỗ nặng còn nông dân điêu đứng. Thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng khuyến cáo đến thương lái của chúng ta tránh “mắc bẫy” của thương lái Trung Quốc.