Cao điểm mua sắm Tết, hàng hóa không tăng giá nhiều

Thứ Hai, 27/01/2014, 03:01
Dù ảm đạm hơn hẳn so với mọi năm, thị trường Tết năm nay cuối cùng cũng  vào giai đoạn cao điểm với lượng tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh hơn trước rất nhiều. Trải qua một năm kinh tế khó khăn, ngoài những mặt hàng đặc trưng phục vụ Tết có tăng giá khá mạnh, thị trường đa phần bình ổn. Đặc biệt, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn nhiều so với năm ngoái.
>> Thị trường hàng Tết: Sơn hào hải vị, mua gì cũng có nhưng giá khủng
>> Thị trường Tết Giáp Ngọ 2014: Ế từ chợ đến siêu thị

Theo khảo sát của chúng tôi, đa phần các bà nội trợ năm nay chỉ than phiền về giá cả các loại hàng đặc biệt phục vụ Tết như chuối thờ, trái cây, hoa tươi và các loại đặc sản thường được mua để biếu tặng.

Chị Hạnh (Khương Trung) cho biết, để mua được đủ hoa, trái cây để thờ, gia đình đã phải bỏ ra gần 1 triệu đồng. “Chuối xanh 170 nghìn đồng/nải vừa vừa, bưởi thờ 80 nghìn đồng/quả. Các loại trái cây khác để bầy đủ mâm ngũ quả cũng phải 50 – 70 nghìn đồng/quả. Nhìn chung Tết năm nào cũng vậy. Mua một bình hoa đẹp cũng phải 400 – 500 nghìn đồng”. Gà ta ngon tại các chợ cũng tăng giá khá mạnh.

Hàng hóa Tết năm nay không biến động mạnh.

Tại chợ Hàng Bè, nơi bán thực phẩm ngon nổi tiếng Hà Nội, gà cúng có giá khoảng 200 – 250 nghìn đồng/kg. Giá gà ta sống cũng tăng từ 140.000 đồng lên 160.000 đồng/kg. Riêng gà Đông Tảo được chào giá 360.000 – 400.000 đồng/kg. Mặt hàng “nóng” vào dịp Tết như bia, rượu cũng tăng giá nhẹ. Một số chủ đại lý cho biết bia tăng giá khoảng 10% so với ngày thường. Riêng rượu tây không tăng giá so với ngày thường, ngoài Chivas tăng nhẹ. Tuy nhiên, nhiều loại rượu có giá cao hơn rất nhiều so với năm ngoái, do thị trường đã hình thành một mặt bằng giá mới.

Cùng với các mặt hàng đặc trưng thì Tết cũng là mùa dịch chuyển của các loại đặc sản các miền để phục vụ nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng mới lạ của người dân. Tại Hà Nội, các đặc sản Sài Gòn, miền Tây, Bình Định, Huế, Đà Nẵng, Sơn La… được bán tràn ngập. Do vận chuyển xa và giá cước vận chuyển ngày Tết cũng tăng nên hầu hết các mặt hàng này có giá rất cao, đội lên gấp đôi giá gốc. Tuy nhiên, rất nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn để biếu, tặng.

Ngoài các mặt hàng này, giá cả tại chợ hầu như không biến động nhiều, đặc biệt với các loại thực phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày. Tại hầu hết các chợ trên địa bàn Hà Nội, thịt lợn vẫn giữ giá 100 nghìn đồng/kg, rau xanh cũng dồi dào, không tăng giá.

Tuần cao điểm của mua sắm Tết, lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị cũng đã tăng mạnh, khoảng 40% - 100% so với tuần trước. Các mặt hàng bán chạy nhất vẫn là rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo và thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, thị trường mua sắm năm nay vẫn trầm lắng hơn rất nhiều so với những năm trước, thể hiện ở việc người tiêu dùng thận trọng hơn trong lựa chọn các mặt hàng, loại bớt hàng xa xỉ và chỉ mua với số lượng vừa phải. Hầu hết các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm chế biến tại siêu thị không tăng giá, nhưng các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã biến động khá nhiều. Một số mặt hàng như thịt bò, thủy hải sản cũng tăng giá mạnh. Thịt bò phi lê loại 1 lên 310.000 đồng/kg, mực ống nhỏ dao động trong khoảng 200.000 đồng/kg, tôm sú bán lẻ 550.000 đồng/kg…

Được biết, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, các siêu thị đã mở cửa muộn hơn, mở rộng các quầy thanh toán để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, tránh cảnh chen lấn, ùn tắc. Với diễn biến thị trường như hiện nay, đại diện các siêu thị đều cho biết sẽ không có cảnh thiếu hàng, sốt giá. Đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đã chuẩn bị hàng dự trữ từ khá sớm.

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết, Fivimart đã chuẩn bị một số lượng lớn các loại đồ uống, nước giải khát để phục vụ nhu cầu Tết nên chắc chắn không thiếu hàng

N. Phương
.
.
.