Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh:

Giá dầu ở mức 50 USD/thùng, ngân sách sẽ cân bằng

Thứ Năm, 22/01/2015, 22:42
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục đà giảm sâu gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Viêt Nam, chiều tối ngày 22/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp của 4 Bộ lớn bàn về quản lý kinh tế vĩ mô và các kịch bản đối phó với giá đầu giảm.

Sau cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có cuộc trả lời phỏng vấn một số cơ quan báo chí, đưa ra những thông điệp khá lạc quan. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng giá dầu giảm có tác động 2 chiều và nếu điều hành đồng bộ để thúc đẩy sản xuất, hụt thu ngân sách là không đáng kể trong khi cái được rất lớn là sẽ có một nền kinh tế ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung quan trọng nào đã được bàn đến trong cuộc họp vừa rồi?

BT Bùi Quang Vinh: Hai vấn đề quan tâm được bàn đến là tác động của giá dầu thế giới đến tăng trưởng kinh tế, đến lạm phát và kế hoạch khai thác dầu thô của Việt Nam. Vấn đề lớn thứ hai là lựa chọn phương án điều chỉnh giá điện theo đề xuất của EVN và đánh giá các tác động của giá điện đến nền kinh tế.

Khi Chính phủ xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách 2015, dự kiến xuất khẩu dầu thô đạt 100 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện giá đã giảm dưới 60 USD/thùng, thậm chí có thời điểm dưới 50 USD/thùng. Đây là yếu tố giá giảm mạnh rất khó lường, không chỉ là yếu tố cung cầu mà còn là yếu tố chính trị. Tổ công tác đã đưa ra 3 kịch bản giá dầu: 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng. Nếu là 60 USD/thùng thì GDP sẽ giảm so với dự kiến 0,21%. Nếu khai thác giảm xuống mức 14,4 triệu tấn thì GDP sẽ giảm 0,56%. Nếu đặc biệt giảm mạnh ở phương án thấp, ta chỉ khai thác 13,08 triệu tấn thì GDP có thể giảm đến 1% xuống 5,2% chứ không được mức 6,2% đề ra.

Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ xuất mà còn nhập khẩu. Sản lượng nhập xăng dầu thậm chí còn lớn hơn cả xuất khẩu dầu thô, nên ta chịu tác động hai chiều. Khi giá thành nhập khẩu dầu mỏ và chế phẩm xăng dầu giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước giảm như chúng ta đã thấy. Dự kiến, nếu giá ở 60 USD/thùng thì sẽ làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giảm giá thành đầu vào là 0,27% (cao  hơn so với mức giảm 0,21%). Ở kịch bản 2, mức tăng là 0,31% và kịch bản 3 là tăng 0,43%. Theo chúng tôi tính toán và Bộ Tài chính cũng có kết quả tương tự là ở mức giá dầu 50 USD/thùng, chúng ta ở thế cân bằng.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại buổi trao đổi đối 22/1.

PV: Vậy hướng điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian tới sẽ ra sao, thưa Bộ trưởng. Tại cuộc họp này có bàn bạc gì đến vấn đề giá cước vận tải không giảm tương ứng với giá dầu không?

BT Bùi Quang Vinh: Hiện giá xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực, như Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan. Ta chỉ cao hơn Singapore và Malaysia là 2 nước có trợ giá về xăng dầu. Ta cũng phải xem xét, nếu giá dầu thế giới cứ giảm tiếp, ta có giảm giá xăng dầu trong nước không? Nếu quá thấp thì có thể lợi cho đầu vào của nền kinh tế, nhưng quản lý xăng dầu có vấn đề. Cần phải cân nhắc với các nước trong khu vực để không biến Việt Nam thành nơi cung cấp xăng dầu lậu cho các nước bên cạnh.

Về giá cước vận tải, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan phải xem lại tỷ trọng chi phí xăng dầu trong cơ cấu giá thành . Giá xăng dầu đã giảm nhiều như vậy thì chắc chắn giá vận tải phải giảm tương ứng. Thủ tướng đang chỉ đạo rà soát, giảm càng sớm càng tốt, đặc biệt là giảm trước Tết.

PV: Vậy theo tính toán cụ thể, giá dầu thô giảm sẽ ảnh hưởng thế nào đến thu ngân sách 2015?

BT Bùi Quang Vinh: Giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng, ngân sách mất khoảng 10.000 tỷ. Nếu giá ở mức 40 USD/thùng thì ngân sách sẽ giảm gần 70.000 tỷ đồng. Nhưng theo tính toán mô hình kinh tế lượng toàn cầu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư  thì giá dầu ở 60 USD, ta chỉ hụt 7.500 tỷ, phương án 50 USD thì ta hụt 9.500 tỷ còn với phương 40 USD thì giảm thu 11.500 tỷ. Bộ Tài chính cũng cho rằng nếu giá là 50 USD/thùng thì ngân sách cân bằng, bởi bù lại, sản xuất trong nước phát triển, ta sẽ tăng thu nội địa nhiều hơn. Ta cần điều hành đồng bộ, tạo mọi điều kiện cho sản xuất phát triển để bù lại hụt thu từ xuất khẩu dầu. Chúng tôi muốn thông tin như vậy cho mọi người yên tâm. Có ảnh hưởng khó khăn từ sự kiện này, nhưng tôi cho là cái được rất lớn. Nó giúp ta dần tạo ra nền kinh tế ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn và chi tiêu tiết kiệm hơn.

EVN đề xuất 3 phương án tăng giá điện, Chính phủ sẽ xem xét sau Tết

Qua trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết phương án giá điện cũng đã được bàn đến tại cuộc họp này, bởi hiện giá điện Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, điều quan trọng là giá thành phải minh bạch và chính xác. Thủ tướng đã yêu cầu nhiều lần, EVN phải giảm tổn thất và tăng năng suất lao động trong ngành điện để có giá thành hợp lý. Trên cơ sở đó, ta có cơ sở cho giá điện nâng lên cho phù hợp.

EVN đang đưa 3 kịch bản giá điện cao thấp khác nhau. Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và trực tiếp Thủ tướng cũng chỉ đạo từ nay đến Tết chưa bàn chuyện tăng giá, dù nhu cầu tăng là có. Việc lựa chọn phương án nào và bao giờ sẽ quyết định sau khi cân nhắc với tình chung, đảm bảo lợi ích của người dân và nhà sản xuất. 

Vũ Hân (ghi)
.
.
.