Tây Nguyên thu hút hơn 295.000 tỷ đầu tư toàn xã hội

Thứ Hai, 08/06/2015, 17:35
Chiều 8/6, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình thu hút vốn đầu tư vào vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2014 và thông báo kết quả Hội nghị xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội lần thứ 3 năm 2015. Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo còn có đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy, trong giai đoạn 2011-2014, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên đạt hơn 295.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 35,8%, vốn của các doanh nghiệp chiếm 19,3%, còn lại là các nguồn vốn khác. Cùng với việc tăng huy động vốn đầu tư toàn xã hội, trong những năm qua cơ cấu đầu tư đã được điều chỉnh ngày càng hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư vào các dự án giao thông, thủy lợi, công nghiệp, năng lượng, bưu chính viễn thông và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Cùng với việc thu hút vốn đầu tư xã hội tăng khá, trong thời gian qua, việc thu hút vốn viện trợ phát triển (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2011-2014, toàn vùng đã thu hút được 410 triệu USD từ nguồn vốn ODA, tập trung chủ yếu một số dự án có quy mô lớn đang triển khai như: Dự án giảm nghèo cho khu vực Tây Nguyên do Ngân hàng Thế giới tài trợ; Dự án Lâm nghiệp xã hội; Dự án chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Tây Nguyên; Dự án phát triển các thành phố loại 2 do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ…

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giai đoạn 2011-2014 đã thu hút được 38 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 122 triệu USD. Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư tại Tây Nguyên, trong đó Hàn Quốc đứng đầu với 14 dự án, với số vốn đăng ký 38,6 triệu USD; tiếp theo là Hà Lan với 3 dự án, vốn đăng ký 26,2 triệu USD; Hồng Kông 3 dự án với số vốn đầu tư hơn 19 triệu USD…

Về kết quả Hội nghị xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội lần thứ 3 năm 2015 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tiếp tục giới thiệu, quảng bá với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các tiềm năng, lợi thế và cơ chế, chính sách ưu đãi của các địa phương, đồng thời đã giới thiệu được hàng trăm dự án cần kêu gọi đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tại Hội nghị, các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 13 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên đến 16.643 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thương mại, chế biến sản phẩm nông nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng điện gió, giáo dục. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã ký hợp đồng tín dụng cam kết đầu tư vốn tín dụng vào các lĩnh vực giao thông, vận tải, thủy điện, nông nghiệp…với 15 dự án và 3 thảo thuận hợp tác với tổng số tiền cam kết đầu tư lên đến 14.485 tỷ đồng.

Về chương trình An sinh xã hội, thông qua chương trình đã huy động sự đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương cũng như các ngân hàng thương mại, các tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp cũng như các nhà hảo tâm trên cả nước ủng hộ được số tiền hơn 166,11 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nghèo về giáo dục, y tế, xóa nhà tạm và khắc phục hậu quả thiên tai.

Kết luận buổi họp báo, ông Trần Việt Hùng cho rằng, việc thu hút vốn đầu tư trong những năm qua ở vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến rõ rệt, trong đó việc đầu tư vào một số ngành như nông nghiệp, năng lượng đã tạo ra chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rất quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án thủy điện…Đặc biệt, trong những năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước có xu hướng giảm dần, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và nước ngoài đang tăng dần. Xu thế này đang phù hợp với chủ trương cắt giảm đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư hiện nay.

Nhờ nguồn vốn đầu tư trong những năm qua, nhiều công trình cơ sở hạ tầng ở Tây Nguyên đang ngày càng “thay da, đổi thịt” phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì việc thu hút vốn đầu tư vào Tây Nguyên giai đoạn 2011-2014 còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư của cả nước (5,1%). Thu hút vốn FDI còn rất hạn chế cả về số dự án cũng như số vốn bình quân cho một dự án…để khắc phục hạn chế trên, ông Trần Việt Hùng cho rằng, trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là việc cải cách, hiện đại hóa các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; minh bạch, công khai hóa trong công tác quy hoạch, kế hoạch.

Sớm nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù về thu hút đầu tư vùng Tây Nguyên, đủ sức hấp dẫn để thu hút các nguồn vốn đầu tư; tiếp tục kiện toàn, xây dựng hoàn thiện bộ máy cơ quan xúc tiến đầu tư của các tỉnh và tổ chức công tác xúc tiến đầu tư theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, tăng cường sự liên kết giữa các tỉnh. Quan tâm hướng đến các đối tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ý định đầu tư sản xuất kinh doanh lâu dài ở Tây Nguyên.

Văn Thành
.
.
.