Nhiều ‘cò quay’ gian lận sữa

Thứ Sáu, 15/05/2015, 15:45
Sau 1 năm áp trần, thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã hình thành được mặt bằng giá mới giảm hơn so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra, nhất là những gian lận về giá và chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Xử phạt hơn 500 triệu đồng

Tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều 14/5, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết: tính đến nay, cơ quan quản lý giá đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá bán lẻ giảm từ 0,1% - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. “Lần đầu tiên sau nhiều năm đã hình thành được mặt bằng giá sữa và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân còn vi phạm các quy định như: Đăng ký giá chưa đầy đủ các sản phẩm theo quy định; Giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký, cao hơn giá niêm yết; không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ và chưa đúng quy định; gian lận thương mại (tẩy xóa và in lại hạn sử dụng, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng).... Bộ Tài chính đã thanh kiểm tra và xử phạt nhiều đại lý trên cả nước”, ông Tuấn cho biết.

Giá sữa Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực.

Theo số liệu công bố, qua kiểm tra, các cơ quan đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thu số tiền thu lợi do vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo quy định về kinh doanh sữa và bình ổn giá sữa với tổng số tiền là 519.739.000 đồng; giá trị các hộp, bịch sữa bị tịch thu, tiêu hủy là 41.810.000 đồng.

Riêng đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi phải bóc chi phí quảng cáo ra khỏi giá từ ngày 20/4, Bộ Tài chính cho biết 5 năm doanh nghiệp thuộc diện kê khai giá tại Bộ Tài chính đã thực hiện kê khai giá lại của 50 sản phẩm sữa. Cùng với đó, qua báo cáo của cơ quan quản lý giá tại địa phương, có 2 doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam và Công ty TNHH Danone Việt Nam đã kê khai giảm giá đối với 17 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, mức giá có hiệu lực từ ngày 20/4, với mức giảm khoảng 0,4-4% so với mức kê khai liền kề trước đó. “Tuy nhiên, do các công ty thực hiện kê khai giá tại Bộ Tài chính chỉ thực hiện khâu bán buôn, không bán lẻ. Việc triển khai đến khâu bán lẻ có độ trễ do các công ty thực hiện thông báo, điều chỉnh hệ thống. Quy định mức giá bán lẻ có hiệu lực thi hành chậm nhất 20 ngày sau khi mức giá bán buôn có hiệu lực.

Hiện nay, qua nắm bắt thông tin và báo cáo của các địa phương, mức giá bán lẻ của một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá trước đó với tỷ lệ giảm 1-5,5%”, Bộ Tài chính cho biết.

Giá sữa cao do dấu hiệu chuyển giá

Về những tồn tại và vướng mắc trên thị trường sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định.

Theo tài liệu do Bộ Ngoại Giao cung cấp, giá bán trung bình trên kilogram của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 06 tuổi bước 1 - bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam đang cao hơn một số  nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, giá sữa tại Việt Nam là 16 USD/kg, trong khi đó, mức giá của Thái Lan là 14 USD, Philippines là 12,9 USD, Malaysia là 10,9 USD, Indonesia là 9,5 USD. Có sự khác nhau này, theo giải thích của Bộ Tài chính là do có nhiều yếu tố khác nhau như môi trường kinh doanh, chính sánh ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan này cũng khẳng định trên thị trường sữa có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa. Trong khi đó, thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất hạn chế.

“Bình ổn giá sữa vẫn luôn là đòi hỏi chính đáng của cả xã hội. Dù đã tạo ra được mặt bằng giá sữa ổn định trong vòng 12 tháng qua, song, kết quả bình ổn giá sữa vẫn còn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường do các yếu tố tác động nêu trên. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường, thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới; giá nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá sữa thành phẩm tiêu thụ trong nước không giảm... Trong thời gian tới, biện pháp áp trần sẽ tiếp tục được thực hiện tới hết năm 2016”, ông Tuấn khẳng định.

 - Tỷ lệ giảm giá 0-4% chưa hợp lý so với tỷ lệ chi phí quảng cáo chiếm trong chi phí đến 20-30%?

Theo kết quả thanh tra năm 2014 tại 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị... đối với sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi của các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 3,93%-21% so với giá thành tùy từng dòng sản phẩm. Khi thực hiện áp dụng biện pháp giá tối đa (từ tháng 6/2014) đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; các mức giá tối đa của các sản phẩm sữa đã công bố là mức giá đã được rà soát, loại trừ khoản chi phí quảng cáo vượt mức cho phép. Do đó đã làm giá bán lẻ sản phẩm sữa giảm 0,1%-34% so với mức giá bán lẻ trước khi Nhà nước áp dụng bình ổn giá. Vì thế, mức giá giảm 0,4-4%  của sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là mức giảm tiếp theo (lần thứ 2) từ mức giá sản phẩm đã được rà soát, tiết giảm khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại còn lại so với thời điểm tháng 6/2014.

Ông Nguyễn Anh Tuấn.

Dư luận bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp liền thay đổi mẫu mã, thành phần để lách trần. Bộ Tài chính có kế hoạch phối hợp với Bộ Y tế để chuẩn hóa lại mẫu mã cũng như thành phần các mặt hàng sữa nhằm tránh tình trạng điều hành chính sách chạy theo doanh nghiệp, cũng như việc tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng?

Về danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá đã được quy định tại Thông tư số 30/2013/TT-BYT của Bộ Y tế. Cơ quan quản lý giá thực hiện điều hành, quản lý giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên cơ sở danh mục đã được quy định. Bên cạnh đó, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) định kỳ gửi danh mục các sản phẩm sữa điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu công bố, nhãn mác, bao bì, quy cách đóng gói về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).

Bộ Tài chính có giám sát được giá sữa ở các đại lý nhỏ lẻ đến tay người tiêu dùng hay không? Việc giám sát giá tại các đại lý bán lẻ như thế nào?

Công tác quản lý giá nói chung và công tác quản lý giá sữa nói riêng đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Bộ, ngành trung ương, các địa phương với nhau. Sau khi tiếp nhận, rà soát việc kê khai lại giá bán buôn của 50 sản phẩm sữa, Bộ Tài chính thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin, đồng thời có văn bản gửi cơ quan quản lý giá, cơ quan quản lý thị trường tại các địa phương yêu cầu quả lý chặt chẽ

Trên thị trường còn tồn tại tình trạng, 1 sản phẩm nhưng giá bán chênh nhau 10-20.000 đồng/hộp tại các đại lý khác nhau. Cơ quan quản lý xử lý vấn đề này như thế nào?

Mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tùy vào chiến lược kinh doanh của mình sẽ có chính sách bán hàng khác nhau đối với từng đối tượng khách hàng khác nhau. Từ đó, có thể sẽ có những mức giá bán khác nhau ở các đại lý khác nhau, tuy nhiên, mức giá bán lẻ đến người tiêu dùng không được vượt quá mức tối đa  đã được quy định là 15% so với giá bán buôn của doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp sản phẩm sữa. Trường hợp đại lý nào bán sản phẩm sữa vượt mức tối đa 15% so với giá bán buôn của doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp sản phẩm sữa sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về giá. 

Hà An
.
.
.