Người dân Lâm Đồng khốn khổ vì hành tây rẻ như bèo

Thứ Hai, 13/04/2015, 16:14
Đây là năm thứ 2 liên tiếp người trồng hành tây tại Lâm Đồng lâm vào cảnh khốn đốn vì loại nông sản này không thể bán được, hoặc bán với giá rất rẻ mạt.

Người trồng hành tây tại Lâm Đồng đang mang một nổi buồn kép: mất mùa, mất giá. “Kịch bản” này khiến cho khó khăn càng đè nặng lên vai những gia đình vốn nhiều năm gắn bó cuộc sống với nghề trồng hành tây.

Không bán được hành, người trồng thuê người đào về cất trữ.

Dẫn chúng tôi ra kho hành sau nhà, ông Mai Văn Thanh, ngụ tại khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt, ngao ngán cho biết, trận mưa đá vừa qua đã làm cho phần lớn sản lượng hành tây bị hư hỏng nặng, phần còn lại thu hoạch được nhưng không có người mua, hoặc mua với giá rất thấp. Thương lái đến trả hành của gia đình ông Thanh chỉ 1.000-1.500đ/kg. Với giá này, tiền bán hành thu về không đủ chi thuê nhân công thu hoạch. Gia đình ông Thanh đành phải thuê người đào hành 7.000m² hành cho hết vào kho dự trữ chờ cơ hội tăng giá để gỡ gạc lại vốn.

Giá hành hiện chỉ bán được 1.000 – 1.500đ/kg.

Nếu với diện tích hành này, những năm trước gia đình ông Thanh đạt không dưới 70 tấn nhưng năm nay chỉ đạt trên 30 tấn hành. Tuy nhiên, gia đình cố nông này cũng không kỳ vọng giá hành sẽ lên trong thời gian tới, bởi hành tây chỉ dự trữ được không quá 3 tháng sẽ mọc rễ, lên cây hoạch thối rửa, trong khi hàng nghìn tấn hành tây tại Lâm Đồng đang lâm vào tình trạng ế ẩm.

Tại vùng sản suất hành tây lớn nhất Lâm Đồng là huyện Đơn Dương, người dân lâm vào tình trạng bi đát hơn nhiều. Theo số liệu của Hội Nông dân huyện Đơn Dương, vào đầu mùa vụ, tổng diện tích hành tây toàn huyện là khoảng 700ha, hiện tại có khoảng 400ha đang vào vụ thu hoạch. Giá hành quá thấp khiến người trồng “rất nản” vì sản phẩm làm ra không có người mua, hoặc người mua rất ít với giá rẻ bèo.

Bà Nguyễn Thị Thủy, ngụ tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương cho biết: “Năm trước thấy hành tây giá rẻ, gia đình tôi nghĩ năm nay giá sẽ cao hơn nên mạnh dạn gom hết tiền của rồi mượn thêm người quen làm hơn 1ha hành. Giờ không bán được, lại phải bỏ tiền thuê người đào đem hành về, thuê cả kho để trữ, gọi người bán thì chẳng ai mua”.

Cho vào kho trữ là biện pháp bất đắc dĩ đối với người trồng hành tây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng, thi trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, người chuyên thu mua hành tây nói: “Giá hành thấp quá, chúng tôi thu mua về để trữ chờ giá lên, chứ xuất đi các thành phố lớn cũng không được. Tại chợ giá đang khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, nếu tính chi phí thì nhà buôn cũng lỗ nặng”. Nếu bán được với giá 1.500đ/kg, người trồng hiện đang phải chịu lỗ không dưới 15 triệu đồng/sào. Đáng chú ý, cũng cùng thời điểm này năm trước (tháng 4/2014), hàng ngàn tấn hành tây tại Đà Lạt bị đổ bỏ vì giá quá thấp, bán không ai mua mà trữ thì cũng hư hỏng nặng.

Theo ông Dương Ngọc Đức, Trưởng phòng kinh tế TP. Đà Lạt, việc người dân trồng hành tây bị đem đổ “không có gì mới”, gần như năm nào cũng xảy ra. Không riêng hành tây, các loại nông sản khác cũng bị đổ bỏ, không ai mua, tuy nhiên định hướng bà con rất khó vì đa số là trồng tự phát, thiếu liên kết với nhà tiêu thụ. Riêng hành tây, vì đây là loại nông sản dễ trồng, nên bà con trồng đại trà để quay vòng vốn, đất…Vẫn biết, câu chuyện mất giá - mất mùa, được mùa - mất giá là câu chuyện không mới với nhiều loại nông sản Lâm Đồng, tuy nhiên, tìm “lối thoát” cho nông sản lại là chuyện không hề dễ.

Kim Ngân
.
.
.