Cảnh giác với thông tin không chính xác về thị trường XKLĐ Hàn Quốc

Thứ Năm, 28/11/2013, 15:10
Cho dù đến thời điểm này, Chính phủ Hàn Quốc chưa mở cửa thị trường tiếp nhận lao động mới của Việt Nam, nhưng ngay sau khi chính quyền các địa phương tổ chức phổ biến về việc áp dụng thí điểm ký Quỹ 100 triệu đồng đối với tất cả người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm của Hàn Quốc (EPS) thì ở nhiều địa phương: Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình đã xuất hiện tin đồn Bộ LĐ-TB&XH đang mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, các đối tượng cò mồi đã lợi dụng để thu tiền bất chính của người lao động.

Đây là thông tin không chính xác, người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc, đặc biệt là các lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn trong đợt thi giữa tháng 12/2011, cần hết sức tỉnh táo để không mất tiền oan.

Vẫn chỉ tiếp nhận trở lại lao động về nước đúng hạn

Sau hơn 1 năm Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động mới của Việt Nam (từ tháng 8/2012) cho đến thời điểm này, Hàn Quốc vẫn chỉ đang tiếp nhận trở lại 2 loại đối tượng lao động, là các lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn, đã thi đạt tiếng Hàn trên máy tính và các lao động mẫu mực (không chuyển chủ sử dụng trong suốt thời gian làm việc tại Hàn Quốc). Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 2 năm thực hiện, đến nay đã đưa được gần 4.000 lao động thuộc diện này sang làm việc trở lại. Riêng trong năm 2013, tính gộp đến chuyến bay ngày 4/12 tới (với 121 lao động) thì đã có 2.667 lao động trở lại Hàn Quốc làm việc, trong đó có 1.532 lao động về nước đúng hạn và 1.135 lao động mẫu mực.

Ông Phan Văn Minh khẳng định, trước các thông tin không chính xác về chương trình EPS, chúng tôi đã cử cán bộ hiểu biết chương trình này về các địa phương tọa đàm thông tin chính sách mới, đồng thời cảnh báo với người lao động trước các thủ đoạn của các đối tượng cò mồi, để lao động không bị thu tiền bất hợp pháp. Quy trình của chương trình này đã rất rõ rồi, người LĐ bị cò mồi thu tiền bất chính là trách nhiệm của các địa phương. Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đang đàm phán với Hàn Quốc để sớm ký Bản ghi nhớ đặc biệt.

Khám sức khỏe cho lao động trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc (Ảnh chụp ngày 25/11). Ảnh: Thu Uyên.

Ông Minh giải thích rõ: Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Hàn Quốc tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động Việc làm  Hàn Quốc đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, hai bên mới chỉ đi đến thống nhất ký kết Thỏa thuận về việc tiếp tục thực hiện quy trình đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, đồng thời đặt ra mục tiêu ký kết Bản ghi nhớ đặc biệt để giải quyết những lao động tồn đọng hồ sơ trên mạng cho số lao động.

Theo thống kê có 15 nghìn người thuộc 3 đối tượng, bao gồm: 11 nghìn hồ sơ của người LĐ đã kiểm tra tiếng Hàn tháng 12/2011; lao động nông nghiệp đã kiểm tra tiếng Hàn ở 62 huyện nghèo (hơn 700 lao động) và lao động ngư nghiệp ở các xã ven biển, đã kiểm tra tiếng Hàn và hồ sơ đã gửi lên mạng; đối tượng đặc biệt là những lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn, đã tham dự kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính (khoảng 3.000 người), nhưng  theo quy định của phía Hàn Quốc, trong thời hạn 1 tháng nếu chủ sử dụng cũ không lựa chọn thì hồ sơ của các lao động này chuyển vào hồ sơ của các lao động mới. Vướng là hiện nay phía bạn chưa tiếp nhận lao động mới, nên những người này đương nhiên chưa được đi làm việc trở lại. Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị phía Hàn Quốc đưa đối tượng này vào diện được giới thiệu cho chủ sử dụng lao động mới lựa chọn.

Những lao động đầu tiên thực hiện ký Quỹ 100 triệu đồng trước khi trở lại Hàn Quốc làm việc ngày 25/11. Ảnh: Thu Uyên.

Cương quyết với lao động vi phạm

Chuyến bay của 35 lao động thuộc diện được Hàn Quốc tiếp nhận trở lại ngày 25/11 vừa qua là số lao động đầu tiên thực hiện ký Quỹ 100 triệu đồng. Chị Phạm Thị Thuận ở Củ Tri, TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều lao động khác cùng trở lại Hàn Quốc làm việc đều vui vẻ ký Quỹ bởi số tiền họ ký tại Ngân hàng Chính sách xã hội coi như là khoản tiền tiết kiệm, có thể giúp được người nghèo khác được vay vốn phát triển kinh tế. Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thống nhất tất cả đối tượng đi XKLĐ theo chương trình EPS được vay (hộ nghèo theo QĐ 71, hộ dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng) hay không được vay đều thực hiện ký Quỹ tại các Chi nhánh Ngân hàng CSXH ở các địa phương.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau 9 năm triển khai đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, theo đúng quy định, người LĐ chỉ mất 630 USD, khi sang Hàn Quốc mang theo 500 USD để mua 2 loại bảo hiểm: bảo hiểm hồi hương và bảo hiểm rủi ro. Vì không có ràng buộc gì về mặt tài chính, tình trạng lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước cao, chúng ta đã phải trả một giá quá đắt, từ tháng 8/2012 trở lại đây, hồ sơ của 15 nghìn người LĐ mới, không được trở lại Hàn Quốc làm việc. Việc ký Quỹ này là ngăn ngừa lao động từ nay trở đi không ở lại bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng. Toàn bộ số tiền do Ngân hàng CSXH quản lý. Người LĐ về nước đúng hạn sẽ được hoàn trả lại toàn bộ số tiền ký Quỹ 100 triệu và tiền lãi. Nếu không về nước đúng hạn thì tiền ký quỹ, tiền lãi sẽ chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm của địa phương.

Đối với số lao động đang cư trú bất hợp pháp, NĐ 95 của CP đã quy định người LĐ ở lại bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng, hoặc sau khi nhập cảnh không về nơi làm việc theo hợp đồng đã ký kết, hoặc bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc… thì xử phạt vi phạm hành chính từ 80-100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm. Trong NĐ này có quy định ân hạn 3 tháng, từ 10/10/2013 đến 10/1/2014, nếu lao động về nước trong thời gian này sẽ được miễn phạt. Sau thời điểm này cương quyết xử phạt.

Ở một xã điểm nóng về tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ông Hoàng Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Hà Tĩnh) cho biết, xã có 2.300 người đi XKLĐ ở các thị trường, trong đó hiện có 1.449 người vẫn đang lao động tại Hàn Quốc. Khoảng 500 người đang cư trú bất hợp pháp. Qua tình hình thực tế, phải có văn bản chế tài của Nhà nước thì chính quyền địa phương mới có cơ sở để áp dụng xử lý. 

Theo báo cáo của Văn phòng Quản lý lao động tại Hàn Quốc, từ chính sách ân hạn như vậy, gần đây, nhiều LĐ thuộc diện xử phạt theo NĐ 95 đã đăng ký chuyến bay về nước. Gần đây, các cơ quan chức năng của Hàn Quốc cũng đã tăng cường kiểm tra lao động bất hợp pháp, kiên quyết xử phạt các chủ sử dụng lao động này.

Từ 1/10/2013, phía Hàn Quốc đã thay đổi cách chi trả tiền trợ cấp thôi việc, thay vì trả trực tiếp cho người LĐ, họ đã tiến hành trả tại sân bay, sau khi người LĐ làm xong thủ tục xuất cảnh. Gần đây nhất, khi làm việc với tùy viên lao động Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị phía bạn nghiên cứu số tiền này được gửi về Việt Nam theo số tài khoản của LĐ đã bị phong tỏa, để đảm bảo người LĐ về nước được hưởng khoản tiền này nếu lao động không về đúng hạn thì sẽ bị mất.

Thu Uyên
.
.
.