Cảnh báo tăng bội chi ngân sách cuối năm

Thứ Tư, 12/10/2016, 10:22
Theo nhận định của VEPR, kinh tế quý III đã có cải thiện đáng kể, GDP đạt 6,4%, giúp tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%. Kinh tế trong nước phục hồi nhẹ nhờ công nghiệp chế biến chế tạo nhưng không đủ bù đắp suy giảm nền nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.

Dù Chính phủ trong kỳ họp tháng 9 đã hạ mức tăng trưởng xuống 6,3-6,5%, tuy nhiên Viện trưởng VEPR cho rằng, “ngay cả điều này vẫn không khả thi, vì kinh nghiệm tăng trưởng trong những năm qua cho thấy, dù tăng trưởng quý 4 có tăng cao hơn quý III, cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Lần duy nhất ghi nhận mức chênh lệch lên tới trên 2 điểm phần trăm là cuối năm 2009, khi Chính phủ tung ra gói kích cầu quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Do vậy, nhóm nghiên cứu giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6,0% cho cả năm 2016”.

Lý giải điều này, VEPR cho rằng, bội chi ngân sách đang có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm và không kịp giảm xuống, tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế trên thực tế. Kế hoạch Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%, vì vậy các chỉ tiêu chi ngân sách căn cứ vào con số này. Tuy nhiên, qua 3 quý, tăng trưởng GDP thấp hơn mức này, nguồn thu ít đi trong khi mức chi giữ nguyên, khiến bội chi ngày càng tăng lên.

“Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực tế và khiêm tốn hơn trong việc lập kế hoạch tăng trưởng đầu năm, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể và hữu hiệu, cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong nhiệm kỳ. Ví dụ, tăng trưởng thực đạt 6%, chỉ nên dự báo 5,5% để cân đối các chỉ tiêu phân bổ vốn phù hợp, hạn chế bộ chi ngân sách”, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết. 

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành còn đánh giá, việc lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm không thể tránh khỏi. Giá năng lượng phục hồi trong khi giá lương thực thế giới vẫn là ẩn số có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20-9-201 đã tăng 12,02% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015. 

Nhóm nghiên cứu cũng nhận định, sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong quý III. Lãi suất bình quân liên ngân hàng, cả qua đêm và một tuần, đều giảm liên tục trong ba tháng vừa qua. Lãi suất kỳ hạn một tuần giảm dần từ mức trung bình 1,6% trong tháng 6 xuống lần lượt 1,35% - 1,01% - 0,54% trong ba tháng tiếp theo.

Nguồn huy động dồi dào đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại lớn hạ lãi suất huy động, sau một thời gian dài giữ ở mức kịch trần. Cuối tháng 9, một số ngân hàng thương mại như Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm. 

Tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng giảm lần lượt 0,2 và 0,3 điểm phần trăm xuống mức 4,8% và 5,3%. BIDV và Vietinbank có mức giảm mạnh hơn, từ 0,3 - 0,7 điểm phần trăm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm.

“Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành nói.

Lưu Hiệp
.
.
.