Cảnh báo đối với vấn nạn mỹ phẩm rởm

Thứ Ba, 16/07/2013, 07:59
Cục Quản lý dược vừa có thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc 17 loại mỹ phẩm làm trắng da của Công ty Kanebo Cosmestic (Nhật Bản) sản xuất vì có chứa chất Rhododenol có thể gây các mảng trắng bất thường trên da; cơ quan Khoa học sức khỏe Singapore cũng vừa tịch thu 2 loại mỹ phẩm có chứa chất thủy ngân bị cấm.

Cả 2 loại mỹ phẩm này đều không liệt kê các thành phần hóa chất trên bao bì hay trong tờ hướng dẫn sử dụng… Từ những phát hiện trên, đây không chỉ là cảnh báo cho người tiêu dùng (NTD) mà cả cơ quan quản lý khi mà tình trạng mỹ phẩm “dỏm” vẫn còn tran lan trên thị trường… 

Theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ sỉ Kim Biên (quận 5, TP Hồ Chí Minh), hầu như kinh doanh không thiếu một loại mỹ phẩm nào, từ hàng trong nước đến hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng ngoại nhập bán tại các quầy sạp ở chợ này hầu hết là hàng giả. Thực tế qua kiểm tra, số lượng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đã bị lực lượng chức năng thu giữ thời gian qua là vô cùng lớn.

Mới đây nhất, cuối tháng 6/2013, qua quá trình theo dõi, Đội QLTT Bình Chánh đã đột kích 2 kho mỹ phẩm tại khu dân cư Bình Hưng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Kiểm tra thực tế, hai kho hàng này đang chứa hơn 20.000 sản phẩm “hàng hiệu” các loại được sản xuất tại Đức, Mỹ, Anh, Italy, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Canada… Khi bị lực lượng QLTT kiểm tra, chủ hàng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Phần lớn các sản phẩm không có hạn sử dụng và một số không có xuất xứ. Toàn bộ số hàng trên đều không có nhãn hàng hoá và không có số đăng ký theo quy định.

Chủ hàng khai mua trôi nổi trên thị trường, đến nay vẫn chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc của lô hàng bị bắt giữ. Nếu căn cứ vào giá khảo sát tại chợ, thì ước tính trị giá lô hàng lên đến hơn 2 tỷ đồng. Dự kiến, số hàng sẽ bị tiêu hủy theo quy định vì không có số đăng ký lưu hành.

 Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 48 vụ vận chuyển, kinh doanh và chứa trữ mỹ phẩm rởm các loại. Thu giữ hơn 239.000 sản phẩm là hàng giả, hết hạn dùng, không hóa đơn chứng từ, ghi nhãn không đủ nội dung bắt buộc, sử dụng phiếu công bố tiêu chuẩn hết hiệu lực…

Một cán bộ Chi cục QLTT TP Hồ Chi Minh cho rằng, với mặt hàng mỹ phẩm, không chỉ dùng mỹ phẩm rởm mới người sử dụng mới “rước họa vào thân”, mà kể cả mỹ phẩm “xịn”, nhiều sản phẩm cũng nằm trong diện cảnh báo, phải thu hồi. Vì vậy, với mặt hàng nhạy cảm này cần thiết phải có cảnh báo công khai đến với NTD.

Điều đáng lo ngại là từ trước đến giờ, hầu hết các lô hàng vi phạm bị cơ quan chức năng thu giữ, không đủ điều kiện lưu thông để phát mãi thì đều đem tiêu hủy. Trong khi đó, số hàng vi phạm bị phát hiện, tiêu hủy, thật ra chỉ là con số rất nhỏ so với số lượng hàng rởm đang tồn tại trên thị trường.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG chia sẻ: Trước tình trạng mỹ phẩm giả tràn lan như hiện nay, một trong những giải pháp để ngăn chặn hàng giả đó là DN (DN sản xuất và cả DN phân phối hàng nhập khẩu) sử dụng tem chống giả cho sản phẩm của mình. Bởi vì, tem chống giả sẽ đảm bảo độ bảo an, bảo mật giúp NTD nhận diện được sản phẩm thật - giả; là công cụ để DN tự bảo vệ mình và nếu có tranh chấp xảy ra thì tem chống giả chính là cơ sở để cơ quan quản lý điều tra, giải quyết vụ việc. Vì vậy, để tránh việc tem chống giả bị làm giả, DN nên chọn loại tem kết hợp nhiều công nghệ vào một con tem

T.Hà
.
.
.