Cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân phá rừng tràm phòng hộ

Thứ Tư, 04/07/2012, 20:51
Ngày 2/7, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho hay đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ đình chỉ toàn bộ hoạt động khai thác trái phép vườn tràm bán ngập có chức năng phòng hộ của Công ty TNHH Đạt Lâm và yêu cầu công ty này đưa các thiết bị khai thác khỏi vườn tràm tại lòng hồ thủy điện Thác Mơ, đồng thời có biện pháp quản lý diện tích vườn tràm còn lại đến khi có chủ trương mới.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý hành vi vi phạm hành chính trong khai thác rừng trồng đối với Công ty TNHH Đạt Lâm, tham mưu xử lý số gỗ còn lại tại hiện trường. Từ kết quả xử lý vi phạm, thỏa thuận thanh lý hợp đồng đã ký kết do Công ty TNHH Đạt Lâm tự ý đốn hạ vườn tràm khi chưa được cấp phép.

UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (TTUDTBKH&CN) tỉnh Bình Phước tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, không để tái phạm, có báo cáo bằng văn bản lên UBND tỉnh.

Năm 2002, UBND tỉnh Bình Phước quyết định cho trồng cây tràm Melaleuca trên 16,31ha đất xung quanh và trên 2 ốc đảo nhỏ của lòng hồ thủy điện Thác Mơ (thị xã Phước Long) để phòng hộ và chống xói mòn đất. Đây là đề tài cấp tỉnh do UBND tỉnh cấp kinh phí và giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước thực hiện.

Năm 2007, đề tài đã thực hiện xong, UBND tỉnh đã chấp thuận giao cho TTUDTBKH&CN tỉnh Bình Phước trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh quản lý. Sau khi được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận (công văn chấp thuận số 3738/UBND-VX, ngày 6/12/2012), ngày 15/12/2011, ông Đoàn Thế Nam, nguyên Giám đốc TTUDTBKH&CN, hiện giữ chức Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước ký Hợp đồng kinh tế số 06/HĐKT với Công ty TNHH Đạt Lâm (tỉnh Đồng Nai) khai thác tại lòng hồ thủy điện Thác Mơ với mục đích khai thác sản phẩm là rừng tràm bán ngập để thu hồi kinh phí thực hiện đề tài.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nghĩa vụ các bên theo cam kết trong hợp đồng (06/HĐKT) chưa hoàn tất, đầy đủ thì ngày 18/4/2012 UBND tỉnh Bình Phước ra Công văn số 1140/UBND-KTN thu hồi Công văn 3738 trước đó và giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương hữu quan tính toán, so sánh giữa việc khai thác tỉa thưa nhưng vẫn đảm bảo vai trò phòng hộ, từ đó nhân rộng mô hình báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định.

Trong khi Sở Khoa học và Công nghệ chưa thực hiện các chỉ đạo thì tháng 5/2012, Công ty TNHH Đạt Lâm tự ý cho phương tiện, thiết bị vào khai thác trái phép vườn tràm khi chưa có chủ trương của tỉnh và giấy phép khai thác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy việc khai thác vườn tràm bán ngập chưa đúng yêu cầu theo hợp đồng cam kết. Đơn vị khai thác (Công ty TNHH Đạt Lâm – PV) đã khai thác những cây lớn, đốt cháy cành lá. Số lượng gỗ đã khai thác khoảng 400 ste, số lượng gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường 250 ste, số lượng gỗ còn lại hiện trường 150 ste. Tổng diện tích đã khai thác 10ha (gồm 1 ốc đảo và các vùng ven lòng hồ), còn lại 1 đảo và 1 đoạn ven lòng hồ chưa khai thác khoảng 8ha.

Được biết, hiện giữa Công ty TNHH Đạt Lâm và TTUDTBKH&CN tỉnh Bình Phước phát sinh tranh chấp. Bởi sau khi bị đình chỉ khai thác, Công ty TNHH Đạt Lâm gửi tường trình đến Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị tiếp tục được khai thác số gỗ trên theo đúng như hợp đồng, bồi thường thiệt hại do nhiều ngày bị đình chỉ khai thác nhưng đã bị phía Sở Khoa học và Công nghệ từ chối.

Liên quan vấn đề, theo một số doanh nghiệp kinh doanh gỗ, với 16,31ha tràm như trên thì giá thị trường ở mức trên 650 triệu đồng, nhưng giá bán cho Công ty TNHH Đạt Lâm chỉ có 250 triệu đồng

Long Điền
.
.
.