Cần xóa bỏ 'rào cản' trong công tác giao rừng tự nhiên

Thứ Sáu, 03/07/2015, 08:14
Giao rừng tự nhiên là chủ trương nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ người dân miền núi tỉnh Quảng Trị. Nhưng, việc dựa vào dân để bảo vệ rừng hiện vẫn gặp không ít rào cản…
Năm 2005, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị xây dựng đề án giao rừng tự nhiên nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống người dân sống trong và ven rừng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia bảo vệ, phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng. Được sự hướng dẫn của lực lượng Kiểm lâm, người dân huyện Hướng Hóa đã thành lập 19 tổ bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tại nhiều thôn bản, bà con tự nguyện xây dựng quy ước bảo vệ, phát triển rừng.

Thậm chí, còn tổ chức “lễ ăn thề giữ rừng”, cam kết với nhau đồng lòng, đồng sức bảo vệ diện tích rừng nhận khoán. Nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa phối hợp với UBND xã Húc và A Dơi tiến hành giao rừng thí điểm cho cộng đồng và nhóm hộ gia đình.

Có 140ha rừng tự nhiên, trong đó 86ha giao cho cộng đồng thôn Tà Rùng (xã Húc) và 54ha giao cho 8 nhóm hộ gia đình trú tại thôn Prin C (xã A Dơi). Nhờ sự bắt tay chặt chẽ của lực lượng Kiểm lâm và người dân mà rừng giao khoán được bảo vệ rất tốt; không còn tình trạng khai thác gỗ, săn bắn trái phép; nạn phát rừng làm nương rẫy được hạn chế đáng kể…

Từ tín hiệu đáng mừng trên, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa tiếp tục giao rừng cho người dân ở 13 bản gồm: Măng Sông (Ba Tầng), Chênh Vênh (Hướng Phùng), Ra Ty (Hướng Lộc), Cuôi (Hướng Lập), Trăng (Hướng Việt)… Hiện tại, gần 750 hộ dân ở các thôn bản này đang chung sức bảo vệ hơn 5.650ha rừng. Ngoài ra, gần 400ha rừng cũng đã được 30 hộ gia đình ở xã A Dơi và Hướng Sơn nhận khoán…

Tuy nhiên, công tác giao rừng tự nhiên vẫn còn gặp những rào cản không nhỏ. Cụ thể, ở một số xã, chính quyền và người dân địa phương vẫn chưa lập được kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng nên không phát huy được sức mạnh tập thể, cũng như thu hút mọi người dân tham gia. Đặc biệt, do nhận thức còn hạn chế, một bộ phận người dân đã bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Hướng Hóa vận động nhân dân bảo vệ rừng.

Trong khi đó, diện tích rừng do UBND xã quản lý chiếm khoảng 36%, thường nằm cách xa khu dân cư nên gây ra nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ. Một số khu rừng của cộng đồng là “rừng ma”, “rừng thiêng”, theo phong tục của người dân, không ai được tác động các biện pháp kỹ thuật vào những khu rừng này, vì thế việc chăm sóc và phát triển rừng chưa phát huy hết hiệu quả…

Đáng quan tâm, theo Quyết định số 112/2008/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT, định mức kinh tế - kỹ thuật để xác định lao động, vật tư, nhiên liệu và các phụ cấp cần thiết phục vụ công tác giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập hồ sơ quản lý rừng là quá thấp so với thị trường. Được biết, định mức chi phí lao động đối với cộng đồng hiện là 345 ngàn đồng/ha rừng và đối với gia đình là 634 ngàn đồng/ha (Tính cả chi phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công lào động của cán bộ kỹ thuật cũng như người dân). Vì vậy, người dân nhận khoán bảo vệ rừng còn chịu nhiều thiệt thòi…

Ông Lê Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa khẳng định, chủ trương giao rừng chỉ có thể phát huy được hiệu quả khi giúp người dân sống được bằng rừng. Để khuyến khích người dân, cộng đồng, nhóm hộ gia đình nhận bảo vệ rừng cần xây dựng quy chế ứng trước sản phẩm và hưởng lợi nhằm phục vụ nhu cầu của bà con.

Đối với diện tích rừng sản xuất và phòng hộ do UBND xã quản lý, đang nằm rải rác, cần tập trung khoanh vùng và tiếp tục giao cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ, hưởng lợi và phát triển. Đặc biệt, cần sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định 112/2008/QĐ-BNN, đồng thời bố trí kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ rừng, thành lập quỹ bảo vệ phát triển cấp xã, xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng đồng.

Ngoài ra, cấp trên cũng cần bố trí kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khu rừng được giao cho người dân.

Quang Sơn
.
.
.