Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản:

Cần xem xét nghiêm túc việc xuất sang thị trường Trung Quốc

Thứ Ba, 05/05/2015, 08:34
Trước những thông tin bất lợi liên tiếp về xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản, chiều 4/5, Bộ Công Thương đã tiếp tục tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh và sự có mặt của nhiều bộ, ngành, hiệp hội có liên quan. Tình thế được các hiệp hội dự báo sẽ không mấy “dễ chịu” trong những tháng tiếp theo khi các thị trường lớn và các mặt hàng chủ lực đều sụt giảm khá mạnh.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Tuy chưa có số liệu chính thức từ Hải quan, nhưng ước 4 tháng đầu năm, nhóm hàng nông lâm thủy sản gặp nhiều khó khăn, ước đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, dù xuất khẩu chung của cả nước tăng 8,2%.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gạo, cà phê  đều giảm so với cùng kỳ, trong đó giảm mạnh nhất là cà phê với kim ngạch 986 triệu USD, giảm 38,3% so với cùng kỳ.

Thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%. Xuất khẩu thủy sản vào hầu hết các thị trường lớn như Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản... đều giảm trên 10%.

Xuất khẩu gạo cũng giảm khá sâu, Bộ Công Thương ước đạt 2,04 triệu tấn, trị giá 889 triệu USD, giảm 0,5% và 5,95% về trị giá.

Gạo xuất khẩu gặp khó khăn trên hàng loạt thị trường lớn như châu Phi, Trung Đông do sức cạnh tranh gay gắt của nguồn cung từ các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia.

Tuy nhiên, ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, con số ước trên là quá lạc quan, bởi qua các năm, chưa có tháng nào sản lượng xuất khẩu vượt qua con số 750 nghìn tấn.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Đô, hết tháng 4, con số xuất khẩu chỉ dừng lại ở 1,6 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng của cả năm nay ước tính là 7,8 triệu tấn, nên dự báo tình hình xuất khẩu gạo sẽ rất khó khăn.

Được biết, ngay khi Chính phủ chạy chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giá đã nhích nhẹ được 100 – 120 đồng/kg. Nhưng ngay nửa sau chương trình, giá đã lập tức giảm, chỉ còn chênh 50 đồng/kg và theo ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thì nay giá đã giảm thấp hơn.

Đáng chú ý, gạo trắng thông dụng của Việt Nam đang mất ưu thế ở thị trường châu Phi, khi các nước này không thích giống gạo 5044 của Việt Nam vì cứng. Năm 2014, sản lượng xuất vào đây đã giảm 60% và năm nay dự kiến sẽ tiếp tục giảm.

Tình cảnh của cà phê còn “thảm” hơn khi sụt giảm đến 40,6% về sản lượng và dự báo sẽ còn giảm nữa khi hiện nay, Tây Nguyên đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng. Đắk Lắk – thủ phủ của cây café đang thiếu 10 – 30% nước tưới; Lâm Đồng, tỉnh có sản lượng cà phê thứ 2 cả nước lại đang vấp phải sương muối.

Ngành cà phê đang vấp phải cảnh trớ trêu khi giá xuất khẩu đang rất thấp và giá trong nước thậm chí cao hơn giá trên sàn London, một số doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng cũng khó mua để trả hợp đồng. Trong khi đó, cà phê robusta của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn khi cạnh tranh với cà phê arabica của Brazil do đồng tiền của nước này mất giá.

Trong bối cảnh rất khó khăn của thị trường, một số Hiệp hội cũng cho rằng, về chủ quan vẫn còn những yếu kém, sự hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng, tiếp sức cho DN cũng rất hạn chế.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản cho rằng, chúng ta xử lý các vấn đề về thị trường còn chậm, kể cả các những vấn đề đã lường trước hoặc những diễn biến bất thường.

“Ngoài tác động của tỷ giá, sự sụt giảm của đồng euro và đồng yên, các vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ hay sự cạnh tranh tôm đến từ Ấn Độ thì chúng ta cần lưu ý vấn đề liên quan đến IUU (quy định liên quan đến đánh bắt thủy sản trái phép) của châu Âu. Tại hội chợ thủy sản châu Âu diễn ra cách đây 2 tuần, Thái Lan bị cảnh báo thẻ vàng (trong vòng 6 tháng Thái Lan phải cải thiện khả năng kiểm soát việc đánh bắt thuỷ sản, nếu không sẽ đối mặt với việc bị cấm xuất khẩu vào châu Âu – PV) vì khai thác vi phạm quy định IUU. Đây là điều Việt Nam phải chuẩn bị, vì chúng tôi đã tham vấn và được biết Thái Lan đang làm tốt hơn chúng ta ở nhiều khâu nhưng vẫn bị cảnh báo” – ông Nam đề nghị.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, diễn biến xấu những tháng đầu năm của thị trường xuất khẩu cũng dẫn đến việc diện tích nuôi tôm và cá tra đã giảm, dẫn đến nguy cơ là sẽ tiếp tục thiếu nguyên liệu khá trầm trọng trong quý III. Thuỷ sản cũng đang phải đối mặt với việc giá thành cao nhưng giá xuất khẩu lại sụt giảm, dẫn đến khả năng thua lỗ.

Trước tình thế này, ông Nam đã đề xuất cần xin ý kiến Chính phủ thành lập một nhóm đặc biệt để ứng phó với các vấn đề trên thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các hiệp hội đều kiến nghị đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm các chi phí để tăng sức cạnh tranh.

Ông Lê Văn Ánh – đại diện Hiệp hội Rau quả còn đề nghị, Bộ Công Thương có thể kiến nghị Chính phủ đàm phán với Trung Quốc mở thêm cửa khẩu để giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản khi vào vụ, rút kinh nghiệm dưa hấu vừa qua.

Vấn đề thị trường Trung Quốc cũng đặt ra yêu cầu phải được nghiên cứu nghiêm túc, khi ông Võ Thành Đô cho rằng, nước này có tác động lớn nhất đến xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, mức độ tiêu thụ cả chính ngạch và tiểu ngạch không dưới 50% toàn bộ sản lượng.

V. Hân
.
.
.