Cẩn trọng với thực phẩm đông lạnh không rõ xuất xứ

Thứ Sáu, 09/07/2010, 11:44
Ông Trần Ngọc Ba, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật và an toàn thực phẩm tỏ rõ quan điểm, hiện nay từ khâu đánh bắt hải sản đến đưa sản phẩm ra thị trường, quản lý còn khá lỏng lẻo, dẫn đến sản phẩm thiếu an toàn. Hậu quả  với người tiêu dùng là nhẹ thì có thể đau đầu, chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong, rất nguy hiểm.

Ngay sau khi Viện Dinh dưỡng Quốc gia lấy mẫu ngẫu nhiên 300 mẫu thực phẩm thủy hải sản đông lạnh và chế biến sẵn từ một số chợ và siêu thị tại quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Hoàn Kiếm để kiểm tra, kết quả cho thấy 82 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, đặc biệt là 30% các mẫu có nhiễm một số loại vi sinh vật vượt giới hạn cho phép đã khiến nhiều bà nội trợ lo lắng. Trên thực tế, mặt hàng thực phẩm đông lạnh đang được bày bán khá trôi nổi trên thị trường, không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, hạn sử dụng.

Gần đây nhất, lực lượng liên ngành gồm Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an); Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội; Chi cục QLTT Hà Nội; Thanh tra Cục VSATTP… đã kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong kinh doanh thực phẩm tại một đại lý ở tổ 2, làng Thành Công, quận Ba Đình (ngõ 491 Đê La Thành) do bà Đỗ Thị Mùi (73 tuổi) và các thành viên trong gia đình cùng kinh doanh.

Kết quả, đại lý có 2 kho đông lạnh rộng hàng chục mét vuông, cùng nhiều tủ đá đựng thực phẩm. Trong kho chứa nhiều sản phẩm đông lạnh gồm: tôm nõn, thịt lợn rừng, thịt cua, mực, hải sâm… được đóng sơ sài trong các bao tải, thùng xốp đa phần không có cả nhãn mác theo quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng chưa xuất trình được đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc các mặt hàng. Theo các bác sỹ tại Phòng Vi sinh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 30% số mẫu bị nhiễm một số loại vi sinh vật vượt giới hạn cho phép, có các mẫu thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật từ phân do nhân viên không rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với thực phẩm sống, vật bẩn… 

Ông Trần Ngọc Ba, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật và an toàn thực phẩm tỏ rõ quan điểm, hiện nay từ khâu đánh bắt hải sản đến bảo quản, đóng gói, và đưa sản phẩm ra thị trường, quản lý còn khá lỏng lẻo. Quy định thì đã rõ ràng, nhưng một số ít ngư dân, cũng như cơ sở sản xuất chế biến còn coi thường, dẫn đến sản phẩm khi tiêu thụ đến người dân, chất lượng đã giảm nhiều, nếu không muốn nói là thiếu an toàn. Nhẹ thì có thể đau đầu, chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong, rất nguy hiểm.

Chính vì vậy, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như sức khoẻ của ngưòi dân, trước mắt cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát các khâu đánh bắt và chế biến ướp lạnh. Còn người dân nên mua những sản phẩm có nguồn gốc, có ngày tháng đóng gói và hạn sử dụng rõ ràng

Nhóm PV
.
.
.