Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam:

Người tiêu dùng vi phạm pháp luật khi dọa dẫm, tống tiền Tân Hiệp Phát

Thứ Hai, 16/03/2015, 09:16
Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc Tập đoàn Tân Hiệp Phát liên tiếp bị người tiêu dùng “tố” sản phẩm đồ uống có vật lạ và bị hư hỏng. Không chỉ riêng với Tập đoàn Tân Hiệp Phát, sự việc người tiêu dùng phát hiện về vật lạ trong đồ uống hoặc sản phẩm bị hư hỏng đã từng xảy ra đối với một số loại hàng hóa khác nhau.

Để có cái nhìn khách quan nhằm bảo vệ quyền lợi của tiêu dùng cũng như uy tín cho doanh nghiệp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (Hiệp hội) những vấn đề xung quanh nội dung này.

PV: Dưới góc độ người quản lý đồng thời là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, xin ông cho biết quan điểm của ông về sự việc xảy ra vừa rồi với Tập đoàn Tân Hiệp Phát như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Việt.

Ông Nguyễn Văn Việt: Theo thông tin mà Tập đoàn Tân  Hiệp Phát báo cáo thì có xảy ra sự việc khách hàng phát hiện con ruồi trong chai nước Number 1, một nhãn hàng của Tập đoàn. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng khẳng định hệ thống thiết bị sản xuất của họ rất hiện đại và được các cơ quan quản lý xác nhận không có dị vật xâm nhập vào trong quá trình sản xuất.

Với kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng đây là khẳng định có cơ sở. Nếu có xảy ra tình trạng dị vật lọt vào các sản phẩm của Tân Hiệp Phát thì sẽ xảy ra sau quá trình sản xuất do vận chuyển hoặc do người khác tìm cách cho vào. Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng hàng hóa sản phẩm của mình. Tuy nhiên, sau khi sản xuất, do quá trình vận chuyển, sản phẩm có thể bị vỡ, thủng, bị hỏng với khả năng rất thấp và đó là khả năng mà hệ thống chất lượng ISO cho phép.

PV: Vậy, khi phát hiện sản phẩm đồ uống có chứa vật lạ hay bị hư hỏng, người tiêu dùng phải làm như thế nào vừa để bảo vệ quyền lợi của mình vừa đúng theo quy trình của pháp luật thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Việt: Khi phát hiện dị vật bên trong đồ uống hoặc sản phẩm bị hư hỏng, người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất phải thực hiện theo các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước hết, người tiêu dùng phải thông báo sự việc cho đại lý mà họ mua sản phẩm, sau đó đại lý phải báo cho nhà sản xuất đồng thời phải có cơ quan chức năng kiểm định sự việc thật-giả như thế nào. Tiếp đó, cơ quan chức năng sẽ trả lời cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Còn trách nhiệm của nhà sản xuất là phải có thông báo quy trình xử lý dị vật một cách công khai, kịp thời. Nếu tất cả các bên cùng làm đúng những quy trình đó thì sự việc đã không có gì “ầm ĩ”. 

PV: Ý ông nói đến vai trò truyền thông, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Việt: Đúng vậy. Sự việc người tiêu dùng phát hiện dị vật trong sản phẩm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã nhanh chóng được đưa lên các trang cá nhân, trang mạng xã hội khi chưa có kết luận từ phía các cơ quan chức năng. Điều này là do người tiêu dùng đã không thực hiện đúng quy trình của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi dọa dẫm, tống tiền doanh nghiệp.

Trong khi các cơ quan truyền thông chính thống chưa có thông tin hoặc nếu có đưa thông tin rất thận trọng thì một số trang cá nhân, trang mạng xã hội có sức lan tỏa lớn lại dồn dập đưa tin khi chưa có cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh.

PV: Theo ông có sự cạnh tranh không lành mạnh trong những sự việc vừa xảy ra?

Ông Nguyễn Văn Việt: Theo như tôi được biết, sau thông tin về có con ruồi trong chai nước Number 1 thì liên tiếp tại các địa phương khác, người dân lại phát hiện các dị vật trong các sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Vậy, tôi cũng đặt dấu hỏi liệu đây có phải chiến dịch nhằm cạnh tranh với Tân Hiệp Phát- một trong những thương hiệu mạnh và hiếm hoi của ngành nước giải khát Việt Nam hay không? Điều này cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng làm sáng tỏ sự thật. Trong cơ chế thị trường hiện nay thì việc cạnh tranh là bình thường, đương nhiên; nhưng cần lên án và xử lý nghiêm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

PV: Sự việc người tiêu dùng phát hiện vật lạ trong đồ uống hoặc sản phẩm bị hư hỏng đã từng xảy ra với một số loại hàng hóa khác nhau. Hiệp hội có vai trò như thế nào trong những sự việc này?

Ông Nguyễn Văn Việt: Hiện nay, Việt Nam có nhiều thương hiệu đồ uống khác nhau trong đó có 3 thương hiệu lớn nhất là Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội và Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Đối với những sự việc xảy ra với bất kỳ thương hiệu nào thì Hiệp hội cũng đứng ra là cầu nối giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan chức năng có liên quan để cùng bàn bạc, giải quyết sự việc đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ tổ chức định hướng truyền thông để làm sao thông tin được chính xác, kịp thời nhất đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.

PV: Ông có ý kiến như thế nào để vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa đảm bảo thương hiệu cho doanh nghiệp đối với những sự việc tương tự xảy ra?

Ông Nguyễn Văn Việt: Trong những sự việc xảy ra tương tự như với Tập đoàn Tân Hiệp Phát vừa qua thì từ nhà sản xuất, người tiêu dùng cho đến truyền thông cần phải hết sức bình tĩnh đồng thời cung cấp thông tin cho nhau một cách đầy đủ, chính xác. Nếu thông tin nào chưa rõ thì cần phải được các cơ quan chức năng điều tra làm sáng tỏ. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông phải hết sức thận trọng trong cách đưa thông tin vì đây là sinh mạng, sự tồn vong của cả một thương hiệu của doanh nghiệp.

Hiện nay, Hiệp hội đang tiến hành thành lập 1 trang web để người tiêu dùng phản hồi các thông tin liên quan đến sản phẩm của ngành đồ uống. Sau khi tiếp nhận, Hiệp hội sẽ cùng với các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết sự việc để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như uy tín cho các doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đình Phương
.
.
.