Cẩn thận khi mua tôm, cá khô ở miền Tây ngày cận tết

Thứ Hai, 25/01/2010, 11:30

Không phải chỉ có tôm khô, người về miền Tây trong những ngày cận Tết còn thích thú với đặc sản khô khác như khô cá. Tuy nhiên, trước khi mua hàng mang về làm quà biếu, hãy hết sức cẩn trọng nếu không rất dễ trúng phải "thịt lừa" như câu chuyện tại bến phà Cần Thơ mà PV Báo CAND đã tận mắt chứng kiến và tìm hiểu.

Hai người đàn bà và một thằng nhóc cỡ 12 tuổi tay cầm mấy bịch tôm khô, vai quảy túi đệm lớn la cà khu vực cổng chào TP Cần Thơ vừa đi vừa rao chào hàng đặc sản miền Tây. Có ba bốn người khách ngồi cạnh ghế tôi trên xe Phương Trang về TP HCM thấy thời gian chờ phà hơi bị lâu nên đã nhảy xuống, tiếp cận mấy người bán tôm khô. Khi quay trở lại, tôi thấy tất cả đều hí hửng với bịch tôm khô được gói giấy báo, nai nịt cẩn thận, bên ngoài có chữ viết tay rất nông dân: "Tôm khô thượng hạng". Một người còn phấn khởi vì mua được mấy kilôgam cá kèo, cá sặt rằng chính hiệu U Minh… Nhưng khách hàng có biết họ đã bị phường gian giăng bẫy "lừa".

Một người khách tên T., nhà ở Bình Dương kể người bán giới thiệu đây là đặc sản tôm khô Cà Mau. Loại "thượng hạng" được giải thích là những con tôm quá lớn, nhà máy "không ăn" nổi nên người nuôi tôm mới "tuyển" ra làm khô. Người đi bán cùng còn nói loại "thượng hạng" này không phải chỗ nào cũng có bán. Mấy chỗ bán tôm khô chuyên nghiệp, chỉ bán phổ biến là tôm khô loại 1, loại 2, 3 hoặc loại thường. Còn sở dĩ bà có loại tôm thượng hạng này là do nhà bà ở gần một đại gia nuôi tôm. Thấy nhà bà Tết nhất đã nghèo khó lại chẳng có công ăn việc làm nên "đại gia" này có ý giúp gia đình làm loại "tôm khô thượng hạng" bán, kiếm chút tiền xài Tết.

Tôi từng ăn, ngủ tại làng nghề làm tôm khô ở ấp Cây Me, xã Viên An và Rạch Gốc, xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) nên không thể quên lời của những người làm tôm khô chuyên nghiệp bao đời nay ở đây. Con tôm nào cũng làm thành tôm khô được hết nhưng ngon nhất là con tôm sông, sống ở nước lợ. Tôm sông không lớn như tôm nuôi nhưng vỏ nó cứng, dày, bắt lên khỏi nước nó còn có thể còn sống cả tiếng đồng hồ. Thịt nó khi luộc chín, đỏ tự nhiên.

Trung bình, cứ 8kg tôm tươi (chứ không đến hơn chục kilôgam như bà nói) thì cho ra được 1kg tôm khô. Con tôm sau khi bắt lên, rửa sạch rồi đổ vô chảo luộc, pha chút muối. Lửa bếp phải thật lớn ngọn, phải đảo đều cho tôm khoảng 5 phút để con tôm vừa chín thì vớt ra liền bởi nếu để lâu thịt tôm sẽ hết còn dai, dính sát vào vỏ rất khó lột.

Thường người ta luộc tôm vào buổi hừng sáng để con tôm có rộng thời gian phơi cho được nắng. Con tôm phơi được nắng là chỉ phơi trong hai ngày, nếu kéo dài hơn, tôm khô sẽ có mùi khai và bị mất màu. Chế biến tôm khô trải qua 4 công đoạn là luộc, phơi (sấy), đập và tách vỏ nhưng khâu nước luộc được xem là quyết định đến chất lượng tôm khô. Bởi nếu nhạt thì không bảo quản được lâu, còn mặn quá sẽ làm mất hương vị đặc trưng của tôm

Từ thực tế mắt thấy tai nghe như vậy nên có thể khẳng định rằng những lời "quảng cáo" có cánh trên hầu hết đều là… hàng rởm.

Không phải chỉ có tôm khô, người về miền Tây trong những ngày cận Tết còn thích thú với đặc sản khô khác như khô cá. Tuy nhiên, trước khi mua hàng mang về làm quà biếu, hãy hết sức cẩn trọng nếu không rất dễ trúng phải "thịt lừa" như câu chuyện tại bến phà Cần Thơ mà PV Báo CAND đã tận mắt chứng kiến và tìm hiểu.

Một người bán đặc sản tôm, cá khô ở chợ Rạch Sỏi, TP Rạch Giá (Kiên Giang) sáng 24/1 chuyển lời khuyến cáo với khách hàng rằng: "Những ngày cận Tết, tại nhiều tỉnh miền Tây, dân bán cá, tôm khô dạo rất nhiều. Chất lượng không đảm bảo nhưng giá thì ở trên trời. Do đó, cách tốt nhất là quý khách hãy ghé những cửa, quầy hàng tại các trung tâm, chợ để tránh mua trúng… thịt lừa"

Binh Huyền

.
.
.