Cần tạo được áp lực để EVN thay đổi

Thứ Năm, 02/07/2015, 00:04
Những bức xúc gần đây của người dân về việc hoá đơn điện tăng bất thường cùng thách thức dài hạn trong quản lý thị trường điện của đất nước đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế bàn luận trong Hội thảo "Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 1/7.

Các chuyên gia cho rằng thách thức với cải cách ngành Điện ở Việt Nam là rất lớn. “Người trong cuộc” - tức EVN và Bộ Công Thương sẽ không bao giờ tự thay đổi, trừ khi có áp lực từ bên ngoài đủ lớn cho một tương lai đủ điện với giá hợp lý.

Cách quản lý điện của Việt Nam hiện nay được các chuyên gia nhận định còn tồn tại nhiều mâu thuẫn.

Ở Việt Nam càng dùng nhiều điện sẽ càng phải trả nhiều tiền. Từ nhiều năm nay, mỗi lần điều chỉnh giá điện, dư luận chỉ tập trung vào mức điều chỉnh là bao nhiêu, hoàn toàn không chú ý đến bậc thang. TS Lê Đăng Doanh cho rằng đây đang trở thành vấn đề bức xúc của dư luận, đặc biệt khi tiêu dùng dân dụng người dân miền Bắc tăng đột biến, và họ có hoài nghi. 

TS Lê Đăng Doanh cho rằng mức lũy tiến phải phù hợp với tình hình kinh tế và nhu cầu thực tế. “Ở Việt Nam, giá điện lũy tiến có phù hợp với tình hình và thu nhập người dân chưa? Những năm 2000 thì tính giá điện đã tương đối hợp lý, dựa trên tỷ giá lúc đó là khoảng 11.000VND/1USD, giá điện hấp dẫn với nhà đầu tư. Sau đó lạm phát tăng, tỷ giá tăng lên thì giá điện không còn hấp dẫn. Nhưng đâu phải lỗi người dân gây ra lạm phát mà nói rằng giá điện thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư, nên phải tăng giá điện, dồn gánh nặng lên đầu người dân?”.

“Nói giá điện chưa hợp lý, nhưng thu nhập của người dân có tính bằng USD không, có bằng nước khác không mà so sánh với điện nước họ và nói là mình thấp. Không nên tuyệt đối hóa lập luận “cả vú lấp miệng em” bênh ngành Điện. Không ai muốn ngành Điện sụp đổ, nhưng tại sao lại bắt người dân phải gánh chịu cho EVN?”. 

Do đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần tính lại giá điện, điều chỉnh cách tính thang lũy tiến lớn hơn thay vì mức 50 kWh như hiện nay. Cần phải tính bậc thang giá có căn cứ hơn, dựa trên tiêu dùng tối thiểu của người dân, như một hộ gia đình với các thiết bị cơ bản: tủ lạnh, tivi, quạt, bởi cuộc sống thay đổi thì nhu cầu tối thiểu về điện cũng tăng theo. Phải tính tới nhu cầu thật của người dân và năng lực cạnh tranh của DN, nếu không chỉ có lợi cho ngành Điện nhưng nền kinh tế phải chịu thiệt hại. 

“Trước những bức xúc của người dân, ngành Điện và cơ quan quản lý không nên có thái độ vô cảm, không nên nói là tại anh dùng nhiều thì phải trả nhiều, mà cần có xem xét thoả đáng”. 

Vị chuyên gia này kiến nghị có thể giao biểu giá điện cho Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tính toán và đề xuất, bởi họ độc lập, không nên cho EVN tự tính rồi áp dụng. Để Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu, quản lý nhà nước, lại là người giám sát rõ ràng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng: “EVN là Bộ Công Thương và Bộ Công Thương là EVN. Vừa rồi Chủ tịch HĐTV EVN được chuyển về làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, thì Cục Quản lý cạnh tranh sẽ không còn làm được gì nữa. Cần cơ quan tách biệt khỏi Bộ Công Thương để giám sát, điều tiết điện lực.

TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho rằng: Không nhìn thấy sự tách biệt trên thực tế giữa EVN và Bộ Công Thương, và đây là điểm “có vẻ như khác các nước”. EVN gần như độc quyền trong mua điện, độc quyền bán cho người tiêu dùng. “Vậy điểm nào là mấu chốt phải thay đổi đầu tiên để thiết lập thị trường điện cạnh tranh? Cái gì ở Việt Nam đang cản trở người sản xuất bán điện trực tiếp tới người tiêu dùng? Động lực nào khiến các nước thu hút được nhiều nhà sản xuất để điện dư như vậy, trong khi Việt Nam ngày càng thiếu?” – TS Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng: Qua nghiên cứu từ những năm 90 cho thấy, EVN lãnh cả chức năng sản xuất và buôn bán điện nên không có nhu cầu thay đổi. Mặt khác, lại gán cả chức năng xã hội cho EVN (cấp điện cho miền núi, vùng sâu vùng xa) thì EVN càng lấy đó làm lý do để không thay đổi, không cải cách. Đó là lý do cần tách bạch. Đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng nhiều chức năng thị trường vẫn nằm trong EVN, như Trung tâm Điều độ hệ thống điện, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Mua bán điện... Phải tách ra thì mới có thị trường. Cái cản trở người sản xuất bán điện trực tiếp cho người tiêu dùng là “cả kỹ thuật và thể chế”.

Kết thúc hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung nhận định: So với yêu cầu cải cách để có được thị trường điện cạnh tranh thì Việt Nam còn khoảng cách khá lớn. Nếu không thay đổi thể chế, cấu trúc thị trường, đặc biệt là thay đổi EVN, thì vấn đề kỹ thuật không giải quyết được. 

“Trong hệ thống của ta còn đầy rẫy mâu thuẫn lợi ích trong nội tại của nó, bộ vừa quản lý, làm chính sách, chủ sở hữu, điều hành doanh nghiệp. EVN thì cả sản xuất, phân phối và bán lẻ. Thách thức với cải cách rất lớn, vì thay đổi đó là thay đổi cấu trúc quyền lực và quyền lợi. Người trong cuộc không bao giờ tự thay đổi, chỉ khi có áp lực bên ngoài đủ lớn, nên chúng ta phải hiểu được thị trường thế nào, kinh nghiệm các nước ra sao mới có kiến nghị hợp lý để tạo ra áp lực bên ngoài cho sự thay đổi” - TS Nguyễn Đình Cung nhận định.

Vũ Hân - Lưu Hiệp
.
.
.