Cần sớm có giải pháp thu hẹp độ 'vênh' số liệu thống kê

Chủ Nhật, 28/06/2015, 12:01
Tổng cục Thống kê vừa tổ chức họp báo, công bố các số liệu thống kê về kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm 2015.

Theo đó, nền kinh tế đang trên đà phục hồi rõ nét hơn, doanh nghiệp (DN) từng bước lấy lại phong độ, gia tăng sản xuất và tự tin huy động vốn đầu tư phục vụ nhu cầu kinh doanh… Tuy nhiên, tại buổi họp báo, vấn đề được báo chí quan tâm nhiều nhất là vì sao có sự khác nhau của số liệu thống kê, chênh lệch tới 20 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam (do Trung Quốc công bố) so với số liệu nhập khẩu của Việt Nam.

Vấn đề này gây tâm lý e ngại và lúng túng đối với các tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin nhưng chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ. Từ đó, dư luận tỏ ra băn khoăn về độ chính xác của con số thống kê, nhất là về kết quả giao thương, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước nói chung.

Theo các chuyên gia, hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra bằng cả phương thức chính ngạch và tiểu ngạch qua biên giới. Trong đó giao thương chính ngạch có thể kiểm soát, thống kê số liệu một cách khá chính xác. Tuy nhiên, các hoạt động buôn bán tiểu ngạch rất khó thống kê chính xác, đầy đủ.

Đặc biệt, càng không thể tính cụ thể về số lượng, giá gốc của hàng hóa thẩm lậu qua biên giới trong khi đây là vấn nạn, gây nhức nhối cho sản xuất trong nước nhiều năm qua. Hơn nữa, sự cập nhật, đối chiếu và tổng hợp số liệu thống kê cũng phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị, ngành nên “vướng” và chồng chéo về trách nhiệm, khó phân định giữa nhiều cơ quan chức năng như Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Thuế…

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong trường hợp mỗi bên áp dụng một phương pháp thống kê khác nhau cũng có thể dẫn đến kết quả khác nhau. Đơn cử, Hải quan Việt Nam chỉ xác nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khi đó là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Hàng nước khác dù qua Trung Quốc rồi xuất sang Việt Nam thì sẽ ghi chú là xuất xứ từ “nước khác”. Đó cũng là một nguyên nhân khiến số liệu nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn số liệu xuất khẩu của Trung Quốc.

Mặt khác, nếu phân tích một cách thỏa đáng hơn thì việc công bố thống kê là của cơ quan chức năng của mỗi nước và mỗi bên không thể truy vấn hay trao đổi, đối chiếu ngay với cơ quan thống kê của nhau. Các cơ quan liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa hay quản lý kinh tế mỗi bên cũng không có cơ chế trao đổi thông tin hoặc nghĩa vụ bắt buộc phải giải trình về số liệu nên câu hỏi về giá trị buôn bán song phương không thể xác định, so sánh ở mức tuyệt đối. 

Như vậy, việc “vênh” số liệu thống kê đã và đang tồn tại, diễn ra ngoài mong muốn và vì nhiều lý do. Có thể đây là một vấn đề chưa thể khắc phục ngay một cách tuyệt đối, nhưng nếu để sự chênh lệch quá lớn như trên tiếp diễn thì rất đáng lo ngại và cần có biện pháp hữu hiệu để thu hẹp “cái vênh” ấy càng sớm càng tốt…

Lưu Hiệp
.
.
.