Cân nhắc thời điểm tăng thuế môi trường đối với xăng dầu
- Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Cần sử dụng tiền thu đúng mục đích
- Tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1-1-2019
Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm, sau 18 đợt điều chỉnh (trong đó có 6 đợt tăng), giá xăng đã tăng gần 2.650 đồng một lít. Đến nay, giá bán lẻ vượt 22.000 đồng với RON 95 và gần 21.000 đồng với E5 RON 92. Đây cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
Điều đáng nói là trước những biến động của thế giới, các dự báo đều cho biết xu hướng tăng giá của xăng dầu vẫn đang tiếp tục, vì thế, đây vẫn là ẩn số trong chính sách kiềm chế lạm phát của cả năm 2018 cũng như sang năm 2019.
Trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III năm 2018 được công bố sáng 10-10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lưu lý: “Một vấn đề về lạm phát được người dân quan tâm nhất là giá mặt hàng xăng dầu. Thông thường, việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên.
Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm sau sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới. Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây. Thay vì đặt ra những mục tiêu chưa được tính toán kỹ, Chính phủ thời gian tới cần có những biện pháp mạnh để kiềm chế rủi ro lạm phát tăng cao”.
Khuyến nghị nên cân nhắc về thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng không nên tăng thuế vào đầu năm sau, vì nó trúng vào dịp Tết Nguyên đán. “1 hộ gia đình mỗi dịp Tết bình quân chi tới 30-35% tổng số chi cả năm. Nếu tăng giá xăng, ngân sách sẽ thu được nhiều tiền ngay trong thời điểm bắt đầu triển khai.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu quốc tế tăng, cộng với phí môi trường tăng thêm 1 nghìn đồng nữa, thì giá xăng dầu sẽ tăng cao kéo theo mặt bằng giá sẽ bị đẩy tăng theo, vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của cả nền kinh tế. Kinh tế học có một phương pháp cân đối liên ngành: nếu giá xăng tăng, giá xi măng tăng, sắt thép tăng, dẫn tới giá nhà ở tăng; giá vận tải tăng, mọi chi phí khác đều tăng lên.
Tính ra nếu giá xăng tăng chỉ cần 1 nghìn đồng/lít, lạm phát sẽ tăng thêm 1,6%, chứ không phải chỉ ở mức 0,04% như công bố. Tác động đó, nếu đã bắt đầu ngay từ đầu năm khi giá xăng dầu tăng thì nó sẽ chạy vòng quanh và đến cuối năm nó sẽ tác động lên nhiều hơn. Cộng với những tác động khác, kể cả tác động của việc cố kiềm chế lạm phát trong năm 2018 sẽ ảnh hưởng đến tốc độ lạm phát đầu năm 2019.
Bởi vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, đồng thời, chúng ta phải tiết kiệm chi phí tăng giá ngay từ đầu năm, từng xu một, chứ không nên vung tay quá trán. Cùng với đó, phải cải cách ngân sách, cắt giảm những chi tiêu thường xuyên mà nó không hợp lý, rất lãng phí như đi tham quan nghiên cứu nước ngoài…”, TS Lê Đăng Doanh góp ý.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cũng nhận định: “Việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu tạo ra nguồn thu để bù cho tấm chăn ngân sách eo hẹp, chứ không phải dùng để bảo vệ môi trường, vì quỹ ngân sách dùng cho bảo vệ môi trường hiện còn tiêu không hết.
Đây là giải pháp chống thâm hụt ngân sách. Đánh vào thuế xăng dầu để bù đắp ngân sách nó có tác động là đầu vào, là nhiên liệu sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất. Nó có thuận lợi là dễ thu, thu rất nhanh. Theo tôi đây là biện pháp không hay, thậm chí là biện pháp xấu nhất. Tăng 1 nghìn đồng/lít thuế xăng dầu, sau 1 năm, lạm phát sẽ tăng thêm 1,6 điểm %”, ông Thế Anh tính toán.
Còn PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởngViện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thì cho rằng đánh thuế xăng dầu rất cao, sẽ kéo theo điều chỉnh về giá cả, như vậy sẽ vừa gây ra tăng giá, vừa suy giảm tăng trưởng. Đây là điều đáng lo ngại.
Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới đang bất ổn theo xu thế tăng, cộng vào thuế môi trường với xăng dầu tăng lên, điều này sẽ tạo ra tác động kép tiêu cực tới việc kiểm soát lạm phát, khi mà lạm phát lõi đang có xu hướng nhích lên, từ 1% lên 2%. “Lạm phát lõi 2% chưa hẳn là cao, nhưng đây là mức đáng cảnh báo”, ông Thành nói.