Cần luật hóa nghị quyết xử lý nợ xấu
- Cần thị trường mua bán nợ đúng nghĩa để xử lý nợ xấu
- Vướng xử lý, nợ xấu nội bảng nhiều ngân hàng tăng trở lại
Theo số liệu thống kê từ Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC), lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực vào ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý gần 350 nghìn tỷ đồng, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực).
Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, đặc biệt dịch COVID-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết 42 sau hơn 3 năm thực hiện đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang có nhiều vướng mắc.
Đầu tiên, Nghị quyết 42 thí điểm trong 4 năm, đến nay đã gần kết thúc thí điểm, nên tiếp tục duy trì và xây dựng luật xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 cho phép những trường hợp quy định của Nghị quyết cao hơn luật, nhưng thực tế áp dụng còn mỗi bên hiểu một hướng, nên đa phần vẫn luật cao hơn Nghị quyết.
Nghị quyết 42 có thể động viên khách hàng tự nguyện giao tài sản, có những trường hợp thu giữ được trao điều kiện rất cao, nhưng có trường hợp chỉ giới hạn trong điều kiện ảnh hưởng an ninh quốc gia. TCTD chưa áp dụng thủ tục tranh chấp, không thể thực hiện được. Ngoài ra, còn có những khó khăn về các vấn đề liên quan đến thuế…
Gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42. |
Chia sẻ thêm, Tổng Giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết 42 ra đời, cùng với việc quy định về đấu giá tài sản, từ 2018 đến nay, VAMC đã bán đấu giá thành công gần 3.000 tỷ các khoản nợ và tài sản bảo đảm.
"Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III/2021 sẽ ra đời. Ngoài ra, đã thành lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các AMC lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ. Chúng tôi kiến nghị, nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm. Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng phải được hoàn thiện. Hiện nay, có thể mua bán nợ theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai" - Tổng Giám đốc VAMC cho biết.
Nhìn từ góc độ chuyên gia, Luật sư Trương Thanh Đức cũng thống kê sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 42, có một báo cáo đánh giá tổng kết rất đầy đủ.
Theo đó, có 11 vướng mắc như các ngân hàng đã chỉ ra trước đó, tập trung 4 nguyên nhân. Một là, sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi Nghị quyết gặp không ít khó khăn.
Hai là, còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo. Ba là, khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo khó khăn, còn thiếu hướng dẫn về cơ sở xác định giá trị khoản nợ và tài sản đảm bảo.
Bốn là, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ; làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này, khiến quá trình mua - bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.
Những vướng mắc nêu trên chỉ những vấn đề nổi cộm nhất trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD nói chung và triển khai Nghị quyết 42 nói riêng. Theo đó, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025; ông Đức đưa ra 4 kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc Luật hóa Nghị quyết 42.
"Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong khoảng 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua", ông Đức nói.
Cùng chung kiến nghị, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn, không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD. Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD.
"Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn", ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất.