Lừa đảo tiền đặt cọc trong chuyển nhượng bất động sản tại Hải Phòng:

Cần làm rõ trách nhiệm của Văn phòng công chứng tư nhân An Phát

Thứ Năm, 02/06/2011, 10:39
Nhằm tránh rủi ro, gian lận, lừa đảo trong chuyển nhượng nhà đất, Nhà nước quy định tất cả các thủ tục phải qua khâu công chứng để xem xét tính hợp pháp, theo dõi, quản lý tài sản cho đến khi kết thúc giao dịch.

Tuy nhiên, sự chặt chẽ như thế đã không được tuân thủ tại Văn phòng công chứng An Phát trong vụ xác lập văn bản thỏa thuận đặt cọc số tiền mua bán đất và tài sản gắn liền trên đất tại ngôi nhà số 14/7 Minh Khai, thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

Từ sự "sơ suất" này, bên A đã chiếm đoạt số tiền đặt cọc 250 triệu của bên B rồi cao chạy xa bay...Mua bán tại văn phòng công chứng, vẫn sập “bẫy” lừa Ông Phạm Mạnh Hùng, HKTT tại nhà số 187 Trần Nguyên Hãn đến Văn phòng thường trú của Báo CAND khu vực duyên hải phía Bắc trình báo như sau:

Qua sự môi giới và tìm hiểu, ông Hùng và ông Vũ Xuân Duy, SN 1966; vợ ông Duy, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, SN 1974, cùng trú tại nhà số 14/7 đường Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng thống nhất thỏa thuận, vợ chồng ông Duy chuyển nhượng lại cho ông Hùng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất là nhà số 14/7 Minh Khai với giá 1,8 tỷ đồng. Do khoản tiền giá trị đất và nhà không nhỏ, ông Hùng đề nghị việc chuyển nhượng phải được thực hiện dưới sự giám sát, chứng nhận của văn phòng công chứng được Nhà nước cấp phép hoạt động.

Mua bán nhà đất qua công chứng, vẫn sập "bẫy" lừa.

Đến ngày 1/11/2010, các bên đã có mặt tại trụ sở Văn phòng công chứng An Phát để tiến hành các thủ tục cần thiết như xem xét toàn bộ thủ tục giấy tờ chứng minh tài sản chuyển nhượng là hợp pháp, thủ tục chuyển nhượng giữa A (vợ chồng ông Duy, bà Phượng, bên có tài sản) và B (ông Hùng, bên mua tài sản).

Theo đó, bên A đã xuất trình các thủ tục quan trọng nhất để chứng minh tài sản hợp pháp của mình là ngôi nhà số 14/7 Minh Khai, thuộc thửa đất số 12, tờ bản đồ số E-33, bằng khoán 96 Hoteldevile, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở số 030102NONO hồ sơ gốc số 12870 do Sở Xây dựng Hải Phòng cấp ngày 5/11/2008 cho người đứng tên chủ sử dụng là ông Vũ Xuân Duy.

Tin vào quá trình xem xét thủ tục của Văn phòng công chứng An Phát, ông Hùng đã đồng ý đặt cọc cho ông Duy 250 triệu đồng nhằm bảo đảm việc thực hiện chuyển nhượng nhà số 14/7 Minh Khai dưới sự giám sát của công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng An Phát bằng văn bản kèm theo. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc, ông Hùng không thể nào gặp được ông Duy, bà Phượng.

Các số điện thoại thường ngày vẫn gọi giờ đã tắt máy. Thấy khả nghi, ông Hùng đến tận nhà vợ chồng ông Duy tại số 14/7 Minh Khai hỏi cho ra nhẽ, nhưng không ngờ ngôi nhà này đã được ông Duy bán cho người khác sau khi đã nhận tiền đặt cọc của ông.

Đem sự việc này trình báo với cơ quan Công an sở tại, ông Hùng mới biết ông Duy, bà Phượng đã rời khỏi nơi cư trú mà không hề trình báo, hiện chưa rõ ở đâu.

Văn phòng công chứng An Phát không thể rũ bỏ trách nhiệm

Nhưng ông Hùng cho rằng, kể cả vợ chồng Duy, Phượng có lừa gạt số tiền đặt cọc 250 triệu thì mình vẫn nắm đằng "chuôi". Đó là văn bản thỏa thuận đặt cọc, lời chứng, chữ ký, con dấu xác nhận của văn phòng công chứng An Phát. Song, tại trụ sở Văn phòng công chứng này, những người đứng đầu một mực cho rằng họ chỉ công chứng cho những gì họ hiểu, họ tin, họ thấy, còn việc vợ chồng Duy, Phượng “ẵm” tiền đặt cọc bỏ trốn không liên quan gì đến họ.

Quá bất bình trước thái độ rũ bỏ trách nhiệm, ông Hùng quyết đấu lý đến cùng. Các cộng sự ông mời tư vấn am hiểu về pháp luật đã phân tích ra rằng, trước khi nhận lời bán nhà số 14/7 Minh Khai cho ông Hùng thì toàn bộ giấy tờ sở hữu ngôi nhà này đã được vợ chồng Duy, Phượng thế chấp vay vốn tại Ngân hàng TMCP Thương Tín. Vậy giấy tờ đó ở đâu ra để Văn phòng công chứng An Phát đối chiếu xác thực.

Thứ hai, trong các văn bản thỏa thuận đặt cọc giữa A và B thể hiện việc văn phòng công chứng nắm rõ tài sản này đã được thế chấp tại ngân hàng. Theo quy định, loại tài sản đang cầm cố không được phép tiến hành các giao dịch chuyển nhượng nhưng An Phát vẫn đứng ra bảo lãnh cho A (vợ chồng ông Duy) và B (ông Hùng) thực hiện các thủ tục đặt cọc bảo đảm việc chuyển nhượng.

Thứ ba, trong trường hợp khi đã công chứng cho việc mua bán tài sản, trách nhiệm của đơn vị công chứng phải theo dõi, cập nhật thông tin chuyên ngành tư pháp để quản lý tài sản, tài sản đó không được tiến hành các giao dịch khác. Nếu làm đúng theo nguyên tắc này, chắc chắn vợ chồng Duy, Phượng không thể nào đem ngôi nhà nói trên bán cho người khác sau khi đã nhận đặt cọc của ông Hùng. Với những lý lẽ như vậy, Văn phòng An Phát có thỏa thuận miệng, đề nghị bên thiệt hại đừng làm "to chuyện" và hứa sẽ "đền" một nửa số tiền đặt cọc đã bị vợ chồng ông Duy “cuỗm” mất.

Dư luận xung quanh vụ việc trên cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét lại trách nhiệm của Văn phòng công chứng An Phát, đồng thời thông qua đó, cần đề xuất với Nhà nước về việc điều chỉnh, bổ sung những vấn đề còn sơ hở, chưa chặt chẽ trong các quy định hiện hành nhằm đảm bảo không xảy ra rủi ro dù nhỏ nhất trong lĩnh vực công chứng tài sản có giá trị lớn trong các giao dịch mua bán, chuyển nhượng

Lê Minh Triết
.
.
.