Cần giải quyết vấn đề phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu

Chủ Nhật, 24/05/2020, 08:39
Ngày 23-5, tại TP Cần Thơ, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo: “Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học… Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về các quan điểm, cơ chế, chính sách và nguồn lực cho sự phát triển bền vững TP Cần Thơ.

Hội thảo cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và đề ra các phương hướng phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kinh tế Cần Thơ tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, quy mô của nền kinh tế được mở rộng, ngân sách cân đối và có điều tiết về Trung ương. Trong giai đoạn 2006-2019, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình toàn quốc, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Năm 2019 tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt mức hơn 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm và đứng thứ hai trong toàn vùng ĐBSCL. Năng suất lao động không ngừng tăng lên và dẫn đầu toàn vùng với mức 143 triệu đồng/năm.

Dự kiến năm 2020, quy mô GRDP đạt hơn 120.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 97 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự Hội thảo, phát triển kinh tế của TP Cần Thơ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp và chưa trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Các ngành công nghiệp mới, hiện đại chưa phát triển như mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 45. Các khu, cụm công nghiệp phát triển chậm, tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa có khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao. Phát triển của ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa thật sự trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng ĐBSCL. Xuất khẩu chưa bền vững, dịch vụ logistics chậm phát triển, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, giá trị gia tăng thấp...

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW cho rằng, kết quả đạt được của TP Cần Thơ qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 45 là đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh và điều kiện của TP Cần Thơ cũng như cả nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi.

Việc xây dựng, phát triển TP Cần Thơ phải trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng và các tiểu vùng ĐBSCL. Nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, cảng biển và cảng hàng không quốc tế, tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và nước, di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc.

TP Cần Thơ cần giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó coi biến đổi khí hậu vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng vừa là cơ hội để thành phố thể hiện vai trò trung tâm vùng. Giữa phát triển kinh tế đô thị với quản lý và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Giữa hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của địa phương, trong đó nỗ lực của địa phương là quyết định để phát triển nhanh và bền vững Cần Thơ trên cơ sở công nghiệp chế biến, nông nghiệp giá trị gia tăng cao và cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng…

Văn Đức – Trần Lĩnh
.
.
.