Cần đẩy nhanh tiến độ điều tra những sai phạm tại SABECO

Thứ Năm, 19/04/2012, 09:26
Vụ việc tại SABECO đã được nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống tham nhũng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo TW về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý. Ngày 20/12/2011, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48), Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại SABECO. Sau 4 tháng, dư luận vẫn đang chờ đợi sự khẩn trương của các cơ quan chức năng.

Từ năm 2009 đến nay đã có tới 9 đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, kiểm tra về những sai phạm có dấu hiệu “cố ý làm trái” tại Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) dẫn tới thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, gây mất niềm tin trong cán bộ, công nhân viên công ty.

Vung tiền đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính

Ngày 31/3/2004, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm chuyển SABECO sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đến ngày 28/1/2007, SABECO chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tổng vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng; trong đó vốn Nhà nước là 5.745 tỷ đồng (chiếm 90% vốn điều lệ).

Với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, mua bán các loại bia, cồn, rượu, nước giải khát, các loại bao bì nhãn hiệu cho ngành bia, rượu, nước giải khát và thực phẩm; kinh doanh vật tư, nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng có liên quan đến ngành sản xuất bia, rượu, nước giải khát, các loại hương liệu, nước cốt để sản xuất bia, rượu, nước giải khát; xuất nhập khẩu các loại: sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, vật tư, nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng, hương liệu, nước cốt để sản xuất bia, rượu, nước giải khát…

Nhà máy Bia Sài Gòn.

Những quy định sản xuất kinh doanh là thế, song thời gian qua, SABECO luôn có những sai phạm về việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính đến việc thực hiện các dự án đầu tư và đặc biệt là việc ký kết hợp đồng nhập khẩu các nguyên liệu chính sản xuất bia gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.

Về việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, theo kết quả thanh tra của cơ quan chức năng thì SABECO đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính số tiền 1.597 tỷ đồng thông qua việc mua 87.136.133 cổ phần và chứng chỉ quỹ của 20 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề như tài chính, ngân hàng (621,5 tỷ đồng), các quỹ đầu tư (361,6 tỷ đồng), ngành điện (189,5 tỷ đồng), bất động sản (370,5 tỷ đồng), du lịch (49,1 tỷ đồng) và lương thực (5,4 tỷ đồng) đến nay, thị trường chứng khoán giảm, hầu hết giá trị cổ phần, chứng chỉ quỹ đều bị giảm giá trị so với giá trị đầu tư ban đầu hàng trăm tỷ đồng.

Việc vội vã thay đổi vỏ lon bia đã gây thiệt hại cho công ty.

SABECO đầu tư vào 7 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, 4 quỹ đầu tư, 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, 4 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 12, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ “đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty nhà nước chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp, mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng phải đảm bảo mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp”.

Việc SABECO ký hợp đồng qua Công ty cổ phần Quản lý tài sản Tương phản và cộng sự mua cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) với giá là 220.000đ/1 cổ phần, trong khi Công ty cổ phần Quản lý tài sản Tương phản và cộng sự mua trên thị trường OTC với giá bình quân là 155.000đ/1 cổ phần (chênh lệch 57.000đ/1 cổ phần); hiện nay công ty này đang không thực hiện các cam kết đã ký và còn chiếm dụng của SABECO số tiền khoảng 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, SABECO còn ký hợp đồng môi giới chứng khoán với Công ty CP Đức Minh Quang với giá trị là 500 triệu đồng trong khi công ty này không có chức năng mua bán, môi giới chứng khoán, chiếm dụng vốn của SABECO trong 2 năm và chưa thanh toán cho SABECO 122 triệu đồng.

Như vậy, việc SABECO đầu tư vào nhiều lĩnh vực nhạy cảm, ngoài ngành nghề kinh doanh chính với số vốn lớn (chiếm 25% vốn điều lệ); gây thất thoát làm sụt giảm giá trị đầu tư có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế của ban điều hành.

Đến việc thực hiện các dự án đầu tư

Từ năm 2003 đến nay, SABECO đã sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ quỹ đầu tư phát triển để đầu tư vào các dự án nhà máy sản xuất bia với tổng số tiền là 9.838 tỷ đồng (SABECO trực tiếp đầu tư vào 3 nhà máy sản xuất bia tại Củ Chi, Hà Tĩnh, Ninh Thuận và nâng cấp nhà máy bia Nguyễn Chí Thanh – TP Hồ Chí Minh với số tiền là 3.864 tỷ đồng; góp vốn cổ phần, liên doanh liên kết để đầu tư vào 5 nhà máy bia tại Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và Đắk Lắk với tổng số tiền là 5.974 tỷ đồng) nhưng trong quá trình thực hiện nhiều dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, có dự án phải xem xét lại chủ trương đầu tư; nhiều dự án thực hiện chỉ định thầu không đúng quy định; suất đầu tư ở các nhà máy có chênh lệch lớn; một nhà thầu trúng thầu nhiều dự án và có nhà thầu tham gia lập dự toán, thiết kế hầu hết các dự án.

Dự án xây dựng nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi có tổng mức đầu tư là 2.326 tỷ đồng (suất đầu tư cao gấp 2 lần so với các dự án cùng thời điểm) đã thanh toán được 1.804 tỷ đồng nhưng dự án đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu trong quá trình thực hiện; thanh toán số tiền 23,225 tỷ đồng vi phạm quy định của hợp đồng EPC (chưa có chứng chỉ nghiệm thu hoàn thành), toàn bộ phụ tùng trị giá trên 1 triệu EUR bị thay thế so với hợp đồng ban đầu mà không đánh giá lại chất lượng và giá trị; hệ thống xử lý nước cất với tổng giá trị trên 3 triệu EUR không sử dụng được, muốn sử dụng phải đầu tư thêm 3 triệu EUR; dự án đã đưa vào sản xuất bia từ tháng 12/2007 nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán theo quy định

Nhóm PV Pháp luật
.
.
.