Cần có cơ chế giám sát lãi suất cho vay

Thứ Bảy, 14/04/2012, 12:00
Nhiều NH rầm rộ công bố giảm lãi suất cho vay, trong khi các DN khát vốn vẫn cho rằng, họ chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Theo các chuyên gia, cùng với việc áp trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có cơ chế giám sát lãi suất và tỷ trọng cho vay.

Những ai sẽ được vay vốn lãi suất thấp?

Theo quy định trước đây, NHNN chia các đối tượng tín dụng thành 2 nhóm là nhóm sản xuất kinh doanh và nhóm phi sản xuất. Tuy nhiên, gần đây, NHNN đã đổi cách gọi thành nhóm “khuyến khích” và nhóm “không khuyến khích” cho vay. Nhóm khuyến khích cho vay bao gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay phụ trợ, cho vay khắc phục hậu quả bão lũ… Đây là nhóm được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp, ở mức 13-16%/năm.

Nhóm thứ 2 là nhóm “không khuyến khích” bao gồm cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán; cho vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS); cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (gọi là cho vay tiêu dùng). Tuy nhiên, từ ngày 11/4, cùng với việc hạ lãi suất, NHNN cũng đã mở van tín dụng đối với lĩnh vực không khuyến khích này. Theo đó, sẽ có khoảng 50% đối tượng trong nhóm này được nới lỏng tín dụng. Cụ thể: với cho vay tiêu dùng, NHNN đã gần như mở hết, loại khỏi nhóm “không khuyến khích”, từ vay chi tiêu gia đình, chi phí học tập, phương tiện đi lại, chữa bệnh trong nước…

Riêng tiêu dùng ở nước ngoài như đi du lịch, đi học, đi chữa bệnh vẫn bị kiểm soát. Với BĐS, cuối 2011, đầu 2012, NHNN đã từng bước mở dần đối tượng cho vay. Đến nay, trừ một số nội dung theo quy định, còn lại đã mở ra rất nhiều. Ví dụ trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, hiện nay đã cho vay mua nhà để đầu tư, đầu cơ, bán, cho thuê, cho vay để xây dựng nhà để ở, bán, thuê...

Lãi suất với nhóm này vì không ưu tiên nên sẽ tùy thuộc vào từng NH cụ thể cũng như thời hạn vay, mối quan hệ… song sẽ nằm trong khoảng trên dưới 20-22%. Theo bảng lãi suất mới nhất của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra vào ngày 11/4, ngày đầu tiên áp trần lãi suất huy động 12%/năm, thì lãi suất cho vay ở nhóm “khuyến khích” được hạ xuống thấp nhất là 13%/năm.

Ngân hàng cho vay lĩnh vực BĐS áp dụng như cho vay thông thường.  Ảnh: Thiện Hoàng.

Cụ thể, lãi suất cho vay của BIDV giảm mạnh nhất đối với cho vay ngắn hạn thông thường với mức lãi suất áp dụng từ 14.5%/năm (giảm 2.5%/năm); Cho vay trung dài hạn thông thường với mức lãi suất từ 16.0%/năm (giảm 1.5%/năm); Cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay phụ trợ, BIDV áp dụng chính sách lãi suấttừ14.0%/năm(giảm 2.0%/năm); Cho vay sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu với mức lãi suấttừ13.5%/năm(giảm 2.2%/năm); Cho vay khắc phục hậu quả bão lũ từ 13.0%/năm (giảm 2.0%/năm); Cho vay tiêu dùng ngắn hạn áp dụng lãi suất từ 16.5% năm (giảm 1.5%/năm); Cho vay tiêu dùng trung dài hạn: lãi suất cho vay từ 17.5%/năm (giảm 1.5%/năm). Cho vay BĐS áp dụng như cho vay thông thường.

Không vay được vốn, trước tiên phải xem lại chính doanh nghiệp

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: nhiều NH ngại cho DN vay vốn vì việc sử dụng vốn và vốn tự có trong các DN vừa và lớn hiệu quả hơn so với các DN siêu nhỏ. Chia sẻ với báo giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, NH cũng là DN chứ không phải nơi sản xuất ra tiền, cho vay ra phải có trách nhiệm bảo vệ số tiền đó của người dân chứ không phải là tiền cấp phát. Vấn đề đặt ra là việc hấp thụ vốn của DN chứ không phải việc tiếp cận vốn. DN cũng có nhiều loại và tình hình tài chính hết sức khác nhau.

Bởi vậy, khi DN không vay được vốn ưu đãi, chúng ta rất thông cảm, nhưng phải xem xét vì sao họ không thể vay. Cũng có DN tốt thật, nhưng họ không thuộc lĩnh vực khuyến khích cho vay, vì vậy họ tiếp cận NH đòi vay vốn lãi suất thấp là không thể có. Ngược lại, một số DN đúng đối tượng khuyến khích, nhưng tình hình tài chính rất xấu thì không NH nào dám cho vay.

Nhiều chuyên gia nhận định, dù cần có độ trễ, nhưng rõ ràng là lãi suất huy động giảm nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng, NHNN đã 2 lần hạ lãi suất thêm 2%, trong khi lãi suất cho vay lại giảm chậm. Đến thời điểm này, điểm mặt 4 “ông lớn” thì mới chỉ có BIDV công bố hạ lãi suất sau thời điểm niêm yết trần huy động 12%, còn lại các NH khác chưa phát tín hiệu nào, thay vào đó là những cái tên như Oceanbank, HSBC, Eximbank, Techcombank...

Điều đáng nói là mức lãi suất cho vay của các NH này đều còn đang rất cách xa “đáy” lãi suất cho vay theo quy định. Đấy là chưa kể, các gói tín dụng này cũng còn quá khiêm tốn so với cơn khát vốn của các DN. Vì thế, có ý kiến cho rằng, việc giảm lãi suất huy động chỉ mang lại lợi nhuận cho ngành NH vì huy động được nguồn vốn giá rẻ trong dân, việc mở van tín dụng cũng giúp NH làm đẹp số liệu “nợ xấu”, còn thực chất, DN cần vốn và người có tiền gửi NH đều đang chịu thiệt.

Bởi vậy, quan trọng nhất là NHNN cần phải quy định rõ lộ trình giảm lãi suất cho vay, có cơ chế để giám sát việc thực hiện hạ lãi suất cho vay của các NH. Có như thế, bài toán vốn cho nền kinh tế mới được giải quyết

Lệ Thúy - Huyền Thanh
.
.
.