Cần có các giải pháp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, phục hồi tăng trưởng

Thứ Tư, 02/09/2020, 22:31
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, đồng thời dịch bệnh bùng phát ở một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 7-2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi sản xuất của một số ngành như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại, khiến doanh nghiệp (DN) đã khó còn khó hơn.

Do vậy, từ nay tới cuối năm 2020, ngăn chặn được suy thoái, giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế sẽ là thành công lớn của Việt Nam, sau thành công về kiểm soát đại dịch.

Vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải thần tốc, dồn mọi nguồn lực xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời quyết liệt chống đứt gãy nền kinh tế và không để kinh tế tăng trưởng âm. Trong bối cảnh hiện nay, đây là bài toán khó cho toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt đây sẽ là thách thức lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, lao động, việc làm… Do vậy, để đối phó với những thách thức này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ động nắm bắt tình hình và đề xuất các giải pháp trong chỉ đạo điều hành.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, để giữ được tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, hiện tại đầu tư công đang được xem là “át chủ bài”. Hiện, đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm nay. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính của Nhà nước là có hạn và chúng ta không thể dựa lâu dài vào đó. Bên cạnh sự nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, Chính phủ phải tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cần thúc đẩy đầu tư tư nhân để sản xuất lâu dài cho nền kinh tế, chúng ta không thể dựa lâu dài vào đầu tư công.

Ví dụ, thay vì những biện pháp kém hiệu quả, chúng ta có thể cân nhắc chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư, tức là cho phép những doanh nghiệp nếu thực hiện đầu tư trong năm nay thì sẽ được khấu trừ một khoản thuế trong tương lai tùy theo quy mô đầu tư của họ. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong năm nay và tạo nền tảng tiền đề để khôi phục sản xuất kinh doanh hậu COVID-19.

Việc cần làm nhất hiện nay là ngăn chặn được suy thoái, giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế.

Dự báo GDP năm 2020 chỉ ở mức 2% 

Về tăng trưởng kinh tế trong năm 2020, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhìn nhận, năm 2020 là một năm đầy khó khăn của kinh tế Việt Nam. Có thể nói mức độ, quy mô của sự khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử. Tình trạng này không sớm kết thúc trong năm nay mà còn tác động sang 2021, 2022, thậm chí là 2023. Tăng trưởng GDP năm nay chắc chắn thấp, ở ngưỡng 2%, nhờ dư địa trong nông nghiệp nhiều, khu vực phi chính thức còn lớn và người dân phải tìm mọi cách để sống.

Đồng thời, tăng trưởng từ năm ngoái gần 7%, năm nay giảm xuống 2% hoặc 1% cũng là giảm 5-6 điểm phần trăm. Tương tự các nước, năm ngoái họ tăng trưởng dương 2% năm nay xuống âm là chuyện bình thường. “Nhưng tăng trưởng GDP năm nay âm hay dương cũng không quá quan trọng bằng việc định hướng phát triển để nền kinh tế hồi phục trong những năm sau”, ông Cung chia sẻ.

Để phục hồi nền kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần có chính sách định hướng phát triển để phục hồi nền kinh tế cho những năm sau phải đồng bộ, bài bản, dài hạn, với hai nhiệm vụ. Trước tiên là hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và giữ tốc độ tăng trưởng GDP tối đa có thể. Đồng thời, chính sách còn phải tính đến việc thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Đây là hai nhiệm vụ không thể tách rời. Trong khi đó, hoạt động điều hành hiện nay mới nghĩ đến vế thứ nhất.

Lưu Hiệp
.
.
.