Cần chấm dứt “giá nào cũng bán” của hàng Việt

Thứ Bảy, 13/02/2016, 09:28
Với kết quả tăng trưởng xuất khẩu không mấy thuận lợi của 2015 (8% thay vì 10% như kế hoạch) do bị tác động bởi những ảnh hưởng tiêu cực của thị trường thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang đặt hi vọng vào nửa cuối 2016, khi thị trường được dự đoán sẽ phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết, đặc biệt liên quan đến giá thành và chất lượng của hàng Việt.

Những tác động tiêu cực hàng hoá Việt Nam phải gánh chịu trong 2015 dẫn đến việc xuất khẩu không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 10% được dự báo sẽ còn tiếp tục, ít nhất trong nửa đầu 2016. Ngoài việc giá dầu giảm vượt xa các dự đoán, thì hàng xuất khẩu còn bị ảnh hưởng từ việc giảm cầu từ các thị trường chính, giảm giá hàng nông sản và cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn do một số quốc gia “đối thủ” gia tăng sản xuất, khoảng 30 quốc gia giảm giá đồng tiền từ 10 – 30% để tăng năng lực cạnh tranh. Không thể không kể đến những vấn đề nội tại của hàng hoá Việt như chất lượng, giá thành.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 3 lần điều chỉnh tỷ giá VND so với USD (khoảng 5%) cũng là những hỗ trợ “rất đáng quý” nhưng vẫn không đủ so với bên ngoài. 

Ngoài ra, nguyên liệu thiếu so với nhu cầu sản xuất, giá thành cao so với một số nước khác cũng là một vấn đề rất lớn ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh. “Giá và chất lượng là vấn đề phải khắc phục một cách bền vững. Chúng ta có cái mà thế giới cần: có hàng tốt, có sản lượng, nhưng phải giải quyết vấn đề tiếp cận và tạo niềm tin với khách hàng. Đó là vấn đề của xúc tiến thương mại” – ông Nam bày tỏ.

Các doanh nghiệp thuộc hiệp hội cho rằng, vòng xoáy giảm giá nông sản nói chung, trong đó có thuỷ sản sẽ tiếp tục trong nửa đầu 2016 và tăng trưởng ngành thuỷ sản dự kiến sẽ chỉ mức 5 – 6% (sau khi giảm mạnh đến 16% vào năm 2015). Tuy vậy, nhiều DN đặt kỳ vọng vào cuối năm thị trường sẽ khả quan hơn, đặc biệt với kỳ vọng tác động của một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang ký kết.

“2015 là một năm “được mùa” FTA, và nó sẽ mang lại những cơ hội lớn, những thị trường có khả năng đem đến sự bùng nổ tăng trưởng. Tất nhiên cơ hội thì đi kèm thách thức, nhưng cơ hội là có” - Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu nhận định. Công tác xúc tiến thương mại đang có những bước cải tiến để giúp đỡ DN tận dụng tốt hơn các cơ hội.

Vòng xoáy giảm giá đối với nông, lâm, thuỷ sản được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu 2016.

“Qua việc phải giải quyết rất nhiều tranh chấp hợp đồng cho thấy tìm hiểu của chúng ta về đối tác, bạn hàng còn kém, một phần kinh phí đã được bố trí cho các tham tán thương mại để mua thông tin. Từ nay, các DN muốn xác minh bạn hàng, chúng tôi có thể giúp đỡ. Bên cạnh đó, một đề án đã được Chính phủ phê duyệt là tìm cách xuất khẩu hàng hoá trực tiếp vào các chuỗi siêu thị lớn trên thế giới. Các tuần lễ hàng Việt tại các chuỗi siêu thị như Metro, Big C đã được tổ chức, dần dần phát triển sang các chuỗi siêu thị khác.

Với cách làm này, chúng ta sẽ có cơ hội thực sự có được thương hiệu Việt Nam. Nếu như chúng ta tiếp tục xuất khẩu qua rất nhiều trung gian như hiện nay thì thậm chí trên bao bì cũng không ghi xuất xứ Việt Nam, chưa nói đến thương hiệu. Chi phí xúc tiến thương mại của Việt Nam quá thấp so với các nước khác. Nhưng chúng ta là “con nhà nghèo”, phải tìm cách để đạt được mục đích, bên cạnh những cách làm truyền thống” - ông Hải chia sẻ.

Ngoài các vấn đề về thị trường, vấn đề nội tại cần được cải thiện là nâng cao chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm và giá thành. Đây là những vấn đề không thể cải thiện ngay một lúc, vì liên quan đến khoa học công nghệ, năng lực quản trị của doanh nghiệp… nhưng vẫn phải nỗ lực để cải thiện hình ảnh. Ông Đặng Hoàng Hải đặc biệt nhấn mạnh phải thay đổi hình ảnh “giá nào cũng bán” của DN Việt Nam.

“Các đối tác đàm phán với DN A giá 1 đồng, có thể lập tức tìm được DN B cung cấp giá thấp hơn, thậm chí cả DN C với giá thấp hơn nữa. Giá giảm đương nhiên phải ảnh hưởng đến chất lượng. Chúng ta phải chấm dứt tâm lý bán hàng bằng mọi giá, phải giữ vững chất lượng để giữ thương hiệu. Tôi biết có những cuộc họp vừa kết thúc xong, 3 tiếng đồng hồ sau đã có DN phá vỡ cam kết vừa đạt được. Thế giới chỉ có chúng ta bán cá tra, nhưng vẫn bị ép giá, bị kêu về chất lượng. Tôi kêu gọi sự đoàn kết của các DN Việt Nam để bảo vệ lợi ích của chính chúng ta” – ông Đặng Hoàng Hải kêu gọi.

Nam Phương
.
.
.