Cải thiện chất lượng việc làm cần phải được ưu tiên
- Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đang phải chịu phí quá cao
- Luật Lao động sửa đổi của Việt Nam bảo vệ người lao động tốt hơn
Theo đánh giá của các chuyên gia, lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, tuy nhiên với việc Việt Nam đang từng bước có cách thức phù hợp, sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho lao động Việt Nam.
Việt Nam cần thêm nhiều việc làm tốt hơn
Trình độ lao động trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại quốc tế và đang bước vào “ngưỡng cửa” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là vấn đề được nhắc đến nhiều thời gian qua.
Theo con số của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước có khoảng 24 nghìn hợp tác xã trong các lĩnh vực, 100 nghìn tổ hợp tác và 80 liên hiệp hợp tác xã đang giải quyết việc làm cho khoảng 30 triệu lao động.
Trong số 30 triệu lao động này có 2,5 triệu người là lao động thường xuyên. Có 64% người lao động ở khu vực này được đào tạo ở các trình độ khác nhau, tuy nhiên vẫn còn khoảng 36% người lao động chưa được đào tạo chuyên môn ở bất cứ trình độ nào. Đối với các tổ hợp tác thì có đến 53% lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
“Một thực tế hiện nay, phần lớn lao động của khu vực này là lao động thời vụ, trả lương theo ngày, đa số là chưa ký hợp đồng lao động. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt 10% trên tổng số lao động. Lao động sau khi rời khởi khu vực doanh nghiệp thì về với hợp tác xã nên độ tuổi trung bình cao. Chất lượng lao động ở khu vực này cũng thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết.
Việt Nam đang nỗ lực đảm bảo được việc làm bền vững cho người lao động. |
Theo một báo cáo mới của ILO được công bố tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019, kinh tế Việt Nam đang tạo ra nhiều việc làm cần kỹ năng trung bình và kỹ năng cao, cụ thể hơn một nửa (53%) số việc làm trên cả nước cần kỹ năng trung bình, và 12% số việc làm đòi hỏi kỹ năng cao. Số còn lại (36%) là việc làm có kỹ năng thấp.
Theo chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam, bà Valentina Barcucci, Việt Nam đang sở hữu dân số đặc biệt năng động, với tỷ lệ tham gia thị trường lao động ở mức hơn 70% đối với phụ nữ (so với mức trung bình 48% trên thế giới), và 81% với nam giới. Việc làm trong ngành sản xuất đã và đang tăng với tốc độ rất cao tại Việt Nam, kể từ năm 2014 luôn ở mức cao hơn mức chung của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
“Việt Nam không cần thêm nhiều việc làm, nhưng cần thêm việc làm tốt hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp, tuy nhiên, chất lượng việc làm lại đang là một thách thức”, bà Barcucci cho biết. Dẫn chứng về việc này, bà Barcucci cho biết, việc làm dễ bị tổn thương đang trên đà giảm dần nhờ vào xu hướng công nghiệp hóa và tăng số lượng việc làm trong ngành sản xuất.
Nhưng vào năm 2018, vẫn có tới 54% người lao động đang làm những công việc dễ bị tổn thương. Nhóm việc làm này đặc thù là thường không có sự bảo vệ và thu nhập thường rất thấp. Cải thiện chất lượng việc làm của thị trường lao động cần phải trở thành một ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu hiện đại hóa kinh tế xã hội.
Tương lai việc làm vẫn đảm bảo
Với lực lượng lao động 56 triệu người, Việt Nam trước mắt đang hưởng những thế mạnh của dân số trẻ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Lê Văn Thanh thừa nhận tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề có bằng cấp chứng chỉ của Việt Nam mới chỉ chiếm 23%. Cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý, chưa tương thích với cơ cấu của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng thừa-thiếu lao động cục bộ trên thị trường lao động.
“Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những thay đổi quan trọng về chính sách giáo dục nghề nghiệp sao cho có sự tham gia sâu hơn của doanh nghiệp vào hoạt động dạy nghề, gắn việc học nghề với thực hành tại doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ động của cơ sở đào tạo nghề, bám sát nhu cầu của thị trường lao động”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay.
Cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với tương lai việc làm của Việt Nam, nhưng Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam khẳng định, tương lai việc làm của Việt Nam nằm ở quyết định lựa chọn, và Việt Nam đang cho thấy sự lựa chọn của mình thông qua cải thiện kỹ năng lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội, và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động.
Theo ông Chang-Hee Lee, những nhân tố thay đổi chính bao gồm cải tiến công nghệ với điển hình là Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hệ thống thương mại toàn cầu với độ kết nối ngày càng lớn, già hóa dân số và biến đổi khí hậu.
Theo chuyên gia này, Việt Nam đã thành công khi giữ được tốc độ tăng trưởng cao bền vững trong những năm qua dù bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Đây là kết quả của sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam quyết định phát triển kinh tế thông qua hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn kết hợp với những cải cách trong nước.
Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề đảm bảo cho tương lai việc làm là việc Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp hội nhập quốc tế.
Bộ luật đã tích hợp khá đầy đủ những nguyên tắc của các công ước lao động quốc tế, đặc biệt là các công ước cơ bản của ILO, kể cả các công ước mà Việt Nam đang còn trong giai đoạn nghiên cứu phê chuẩn.
“Để hiện thực hóa quyết tâm trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần những cải thiện về mặt xã hội song hành với phát triển kinh tế. May mắn là Việt Nam đang tiến những bước tiến đúng đắn và quan trọng thông qua việc cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội, và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động. Tôi tin tưởng rằng việc đảm bảo việc làm bền vững và thỏa đáng cho mọi người là vấn đề sẽ được giải quyết và Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường tăng trưởng bền vững và toàn diện, hướng tới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao”, Giám đốc ILO Việt Nam chia sẻ.