Cải cách thủ tục hành chính cần đi vào thực chất
Theo các chuyên gia kinh tế, vị trí xếp hạng này theo đánh giá của WB thực sự đã chính xác hay chưa và liệu đã phản ánh được những bước tiến trong việc cải thiện môi trường của Việt Nam gần đây hay không, vẫn là điều cần xem xét. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội khách quan để nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những nỗ lực và hiệu quả thực tế của Việt
Theo ý kiến lý giải của nhiều chuyên gia, việc báo cáo của WB đánh giá và xếp hạng các chỉ số thuận lợi về môi trường kinh doanh Việt Nam chưa có sự cải thiện, hoặc thậm chí là có tiêu chí còn tụt lùi so với năm ngoái, như các chỉ số về khởi đầu kinh doanh tụt 5 bậc, nộp thuế tụt 2 bậc, thương mại qua biên giới tụt 1 bậc, vay vốn tụt 6 bậc, tiếp cận điện tử không thay đổi vẫn ở thứ hạng 135, bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số tụt 2 bậc… phần lớn là do báo cáo thường có độ trễ 2 năm so với thời điểm thực hiện.
Do đó, báo cáo chưa ghi nhận được các nỗ lực cải cách của Việt Nam về các chỉ số trong đánh giá và xếp hạng cho năm nay, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh cải cách gần đây như thuế, hải quan, Bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện tử. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Một trong những lý do Việt Nam bị tụt hạng về môi trường đầu tư, cũng có thể là do các nỗ lực cải cách của Việt Nam tuy mạnh, song vẫn chưa theo kịp mức độ và tốc độ cải cách của các nước khác trong báo cáo.
Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. |
Cũng theo chuyên gia này, mặc dù xếp hạng tụt lùi về thứ bậc, song báo cáo năm nay của WB cũng ghi nhận các bước tiến của Việt Nam trong cải thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia, bằng cách thiết lập một cơ quan thông tin tín dụng mới. Đồng thời, báo cáo cũng thừa nhận Việt Nam đã giúp các công ty giảm bớt chi phí thuế, bằng cách giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp và ghi nhận những lĩnh vực mà Việt Nam có cải cách trong quy định kinh doanh là vay vốn (thông tin tín dụng), nộp thuế...
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu đặt sang một bên các lý do khách quan này, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần đánh giá lại một cách thực tế và nghiêm túc hiệu quả thực tế, mà các nỗ lực cải cách gần đây liệu đã thực sự phát huy tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như liệu đã đáp ứng được kỳ vọng mạnh mẽ của các doanh nghiệp hay chưa. Và dưới góc độ như vậy, thì việc báo cáo được công bố vào lúc này là một cơ hội rất đúng thời điểm để nhìn nhận một cách khách quan về những chính sách và động thái đã được thực thi, đã mang lại tác động thế nào tới môi trường kinh doanh, cũng như đối với cộng đồng doanh nghiệp.
“Dù rằng, việc triển khai cải cách các thủ tục hành chính trong thời gian qua tuy đã được triển khai khá tích cực và góp phần giải quyết một số vấn đề cho doanh nghiệp, song thực tế kết quả giải quyết được còn chênh lệch khá nhiều so với yêu cầu cải cách từ phía doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai, việc ban hành văn bản mới có vẻ như tạo thêm vấn đề hơn là giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, điều cần xem xét ở đây là đi cùng với sự cải thiện về chính sách và thủ tục, thì dường như tư duy về cải cách của một số cơ quan quản lý và cán bộ công chức vẫn đặt nặng tính tùy tiện và tính sợ trách nhiệm, khiến việc cải cách ở một góc độ nào đó dường như ngược lại, càng làm khó cho doanh nghiệp, khiến họ cảm thấy còn “khó thở” hơn so với trước đây. Như vậy, rõ ràng mục đích cải cách là chưa đạt được và đây là điều cần phải được xem lại trong quá trình cải cách thủ tục trong các lĩnh vực trong thời gian tới”- TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Đề cập cụ thể đến câu chuyện vị trị xếp hạng quá cao trong các chỉ số về nộp thuế, hải quan theo báo cáo của WB, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã thẳng thắn nêu vấn đề về tính trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, trong việc chủ động thực thi các biện pháp cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo TS. Trần Đình Thiên, câu chuyện giảm giờ nộp thuế và cải cách thủ tục hải quan đã nói lên rất nhiều điều về những “vấn đề” của bộ máy quản lý nhà nước. “Tôi thấy rất lạ là tại sao trong cả một thời gian dài không có động tĩnh gì, trong khi vừa có công bố kết quả xếp hạng quốc tế về chỉ số nộp thuế quá cao, Chính phủ vừa ra tín hiệu cải cách gắn với trách nhiệm cụ thể, là lập tức thủ tục thuế đã giảm ngay tới vài ba trăm giờ, từ hơn 800 giờ xuống còn dưới 500 giờ. Tại sao việc giảm thời gian và thủ tục lại dễ dàng và nhanh như vậy, ngay khi đụng đến cái nút của vấn đề?”- ông Thiên đặt dấu hỏi.
Cũng theo ông Thiên, câu chuyện giảm giờ nộp thuế gợi ý rất nhiều về mục tiêu và cách thức tổ chức, cải cách bộ máy Nhà nước, để giúp cải thiện môi trường kinh doanh một cách chủ động và thực sự nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là để đạt được tiến bộ về thứ hạng theo kiểu lấy thành tích