Cải cách chính sách thuế để chống buôn lậu, gian lận thương mại

Thứ Năm, 29/09/2005, 08:20

Lợi dụng những kẽ hở trong chính sách thuế, hiện nay tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã xảy ra rất phổ biến.

Theo thống kê của Công ty Sony Việt Nam: Hiện nay mặt hàng bị nhập lậu và gian lận thương mại "nóng" nhất là sản phẩm kỹ thuật số (KTS). Do có đặc tính nhỏ, gọn, nên KTS tràn vào thị trường nội địa chủ yếu xách tay qua đường hàng không, rất khó bị phát hiện. Tại thị trường Việt Nam, hàng nhập lậu, hàng trốn thuế, không có hóa đơn chứng từ… chiếm thị phần rất lớn. Lý do khiến cho mặt hàng KTS nhập lậu mạnh vào thị trường nội địa là thuế nhập khẩu cao: Từ 20% (máy chụp hình, máy quay) đến 40% (máy nghe nhạc MP3) và 10% thuế giá trị gia tăng.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, Hải quan Cảng Sài Gòn KV1 đã lập biên bản vi phạm đối với Công ty TNHH cung cấp dịch vụ Toàn Cầu (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp) về hành vi gian lận xuất xứ. Thủ đoạn gian lận của đơn vị này là sử dụng nhãn giấy có in chữ "made in China" dán đè trên board mạch có in chữ "made in Taiwan" để hợp thức hoá C/O, và gian lận tiền thuế hơn 20 triệu đồng; tại Cảng Sài Gòn KV3, Hải quan cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Kim Tín (Gò Dầu, quận Tân Bình) về hành vi nhập khẩu hàng không khai báo số lượng 201,660 tấn thép lá không hợp kim, được cán phẳng bằng phương pháp cán nguội, có phủ lớp vecni cách điện, trị giá hàng vi phạm là 193.593,60 USD...

Cũng lợi dụng chính sách ân hạn thuế (cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế đối với những mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu, các loại hàng nhập khẩu dạng gia công…) nhiều doanh nghiệp áp dụng phương thức chiếm đoạt tiền thuế bằng cách trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, hoặc cố tình nợ chây ỳ không chịu nộp thuế

Ngoài ra, cũng có những trường hợp lợi dụng chính sách cho phép doanh nghiệp tự xây dựng và tự quyết toán định mức, nhiều doanh nghiệp đã hạch toán khống bằng cách sử dụng hoá đơn của doanh nghiệp "ma" hoặc không khai đúng doanh thu để trốn thuế, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Tính từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT Tp. Hồ Chí Minh phối hợp các ngành chức năng đã kiểm tra các đơn vị sau đăng ký kinh doanh, phát hiện hơn 400 công ty TNHH, DNTN không có trụ sở hoạt động như đã đăng ký…Trong 6 tháng đầu năm, ngành Hải quan phát hiện và bắt giữ 4.353 vụ vi phạm (buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại, vi phạm thủ tục hải quan…), trị giá ước tính hơn 338 tỷ đồng. Xử lý hàng hoá vi phạm và thu nộp ngân sách hơn 22,5 tỷ đồng.

Trên thực tế, do chính sách thuế còn nhiều kẽ hở nên việc áp dụng và  quản lý giữa các ngành Thuế, Hải quan với doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để một số doanh nghiệp lợi dụng khe hở này  chiếm dụng tiền thuế, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Tại Hội nghị "Đối thoại với doanh nghiệp về lĩnh vực Thuế và Hải quan" tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trương Chí Trung khẳng định: "Cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính về Thuế và Hải quan, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và cải thiện môi trường đầu tư"

Thúy Hà
.
.
.