Các dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su kém hiệu quả

Thứ Sáu, 17/07/2015, 08:11
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, trong số 17 doanh nghiệp được giao hơn 32,555 ha đất rừng để thực hiện 44 dự án trồng cao su, đã khai hoang hơn 27.642 ha rừng nhưng hiện chỉ trồng được hơn 25,547 ha cao su và có khoảng 10,2% bị chết.
Kết quả giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai đối với dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2008 tới nay cho thấy việc triển khai dự án còn nhiều bất cập, chưa đạt được hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội như mục tiêu đặt ra.

Theo kế hoạch, đến năm 2015 phải hoàn thành toàn bộ dự án nhưng đến nay mới chỉ đạt hơn 51%. Một số diện tích để xảy ra tình trạng tranh chấp đất giữa doanh nghiệp với người dân. Một số doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cao su sang trồng mía, trồng cỏ, xây trại nuôi bò khi chưa có sự cho phép của cơ quan thẩm quyền.

Việc tuyển người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân cho các dự án còn hạn chế. Dự án phê duyệt tổng số lao động dài hạn cần thực hiện là 9.379 người nhưng đến nay các doanh nghiệp chỉ tuyển hơn 2.250 lao động dài hạn, người dân tộc thiểu số tại chỗ chỉ có 777 người, chiếm 34,5%, trong khi đó lao động thuê mướn thời vụ lại chiếm tỷ lệ lớn...

Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân đã không thực hiện đúng cam kết ban đầu triển khai dự án. Tại huyện Đức Cơ (Gia Lai), từ năm 2007 đến nay đã chuyển đổi tổng diện tích hơn 4.150 ha rừng nghèo sang trồng cao su thuộc 4 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do không triển khai thực hiện trồng cao su nên tỉnh Gia Lai đã thu hồi đất giao cho Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức hơn 2.000 ha; Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 264 ha; thu hồi hơn 1.000 ha của Công ty TNHH 30/4 Gia Lai giao cho Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức mua lại (trong đó có 849 ha cao su đã trồng năm 2008).

Tại huyện Chư Pưh (Gia Lai), một số diện tích cao su đã và đang bị phá bỏ chuyển mục đích, một số diện tích rừng đã khai hoang nhưng bỏ không trồng cao su.

Đáng chú ý là có 1 dự án hơn 760 ha được tỉnh Gia Lai giao cho doanh nghiệp sau khi Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, tạm dừng cho phép khảo sát phê duyệt các dự án mới đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên... Tuy nhiên, hiện diện tích dự án này vẫn là rừng nghèo chưa khai hoang...

Sau 7 năm triển khai dự án, các doanh nghiệp vẫn chưa phải nộp một đồng nào vào ngân sách Nhà nước về tiền thuê đất, thế nhưng khoản tiền bán gỗ, củi tận thu trên diện tích khai hoang vẫn còn nợ ngân sách tỉnh hơn 8 tỉ đồng khó thu hồi được...

Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đánh giá: việc triển khai dự án còn chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích... Một số doanh nghiệp khi lập dự án chủ yếu quan tâm đến việc làm sao để được giao đất, công tác khảo sát chưa kỹ...

Ngọc Như
.
.
.