Các địa phương tự đề xuất mức lương tối thiểu

Thứ Năm, 01/07/2010, 11:23
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu rà soát, điều chỉnh phân vùng, địa bàn áp dụng tiền lương tối thiểu, trong các loại hình doanh nghiệp. Các địa phương sẽ phải đề xuất điều chỉnh địa bàn áp dụng tiền lương tối thiểu phù hợp với thực tế, để Bộ có căn cứ trình Chính phủ xem xét, quyết định việc phân vùng áp dụng tiền lương tối thiểu vùng đối với các loại hình doanh nghiệp năm 2011.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Thực hiện lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu trong các loại hình doanh nghiệp, theo Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã qui định mức lương tối thiểu áp dụng đối với người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp theo 4 vùng.

Việc phân chia mức lương tối thiểu theo vùng dựa trên các nhóm yếu tố phân biệt mức độ phát triển của vùng kinh tế, xã hội, thị trường lao động và khuyến khích đầu tư theo đề nghị của các địa phương. Kết quả nghiên cứu làm căn cứ để thực hiện chính sách cải cách tiền lương tại nước ta trong giai đoạn 2008 - 2012 của Viện Khoa học lao động & Xã hội và Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng rất lớn. Như năm 2006 mức chi tiêu bình quân của người Hà Nội là 12,309 triệu đồng/năm, của người sống tại TP HCM là 13,604 triệu đồng/năm, Đồng Nai gần 7 triệu đồng/năm, các vùng khác dưới 5 triệu đồng/năm…

Mức lương tối thiểu vùng phù hợp sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp tuyển lao động tốt hơn.

Để thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra một số nguyên tắc nhất định, nhằm tránh trường hợp có tỉnh tự đề xuất lên vùng cao hơn. Ông Phạm Minh Huân khẳng định, tỉnh, thành phố nào cũng có những số liệu cụ thể về thu nhập bình quân theo đầu người, chỉ số giá sinh hoạt, nhu cầu thu hút đầu tư, cân đối nhu cầu lao động…

Căn cứ vào đó và mặt bằng tiền lương thực tế trên thị trường các địa phương có thể đề xuất được. Nó sẽ hạn chế sự áp đặt và việc phân vùng thực hiện lương tối thiểu sẽ thực tế hơn. Ví dụ, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã kêu rất nhiều về chuyện họ gần TP HCM, rất khan hiếm lao động nhưng lương tối thiểu họ được áp dụng thấp nên khó thu hút lao động.

Ngay sau khi có chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có đề nghị điều chỉnh một số địa bàn thuộc huyện Chương Mỹ và Mê Linh từ vùng III lên vùng II để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng lao động, người lao động sau khi sáp nhập Hà Nội đã có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, thời điểm này chưa thể tiến hành điều chỉnh ngay, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp và người lao động làm việc việc tại hai huyện trên thỏa thuận mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ qui định, phù hợp với mức tiền công của các địa bàn, quận, huyện lân cận.

Dự kiến sẽ phân vùng lại lương tối thiểu trước tháng 9 dựa trên các đề xuất của địa phương. Các vùng thực hiện lương tối thiểu mới sẽ bắt đầu từ tháng 1/2011. Hiện, lương tối thiểu vùng đang áp dụng trong các doanh nghiệp, còn các cơ quan hành chính sự nghiệp áp dụng lương tối thiểu chung (tương đương với vùng IV). Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có khoảng 10 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp chịu sự tác động của mức lương tối thiểu vùng.

Mức lương tối thiểu hiện đang được áp dụng trong năm 2010 theo Nghị định 97 và 98/2009/NĐ-CP ngày 30-10-2009 của Chính phủ:

Đối với các doanh nghiệp trong nước lần lượt là: vùng 1 (980.000 đồng/tháng), vùng 2 (880.000 đồng), vùng 3 (810.000 đồng), vùng 4 (730.000 đồng). Đối với lao động tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là: vùng 1 (1.340.000 đồng/tháng), vùng 2 (1.190.000 đồng), vùng 3 (1.040.000 đồng), vùng 4 (1.000.000 đồng).

Thu Uyên
.
.
.