Các địa phương nỗ lực chuẩn bị hàng hóa Tết

Thứ Năm, 05/12/2013, 11:29
Vừa qua một đợt lũ lụt liên tiếp tại các tỉnh miền Trung, cộng với việc sắp tới những ngày lễ cuối năm như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đã khiến giá cả thị trường tại thời điểm này có xu hướng tăng nhẹ. Đáp lại lo lắng của dư luận về giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao, mới đây Bộ Công Thương cho biết các địa phương đều đã có chuẩn bị dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Thống kê của Bộ Công Thương trên địa bàn cả nước cho thấy, hiện đang vào dịp cuối năm và vào mùa lạnh, chịu ảnh hưởng của mưa bão và tác động của thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng tăng cao hơn như gạo, lợn hơi, giá gas...

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng  0,34% so với tháng 10, trong đó nhóm có ảnh hưởng lớn nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,62%), trong đó nhóm lương thực tăng 1,29% và nhóm thực phẩm tăng 0,56% do ảnh hưởng của mưa bão và nhu cầu xuất khẩu tăng. Nhóm may mặc giày dép mũ nón tăng 0,35% do nhu cầu các mặt hàng này cao hơn khi thời tiết chuyển mùa.

Hiện hàng hóa đã có dấu hiệu tăng nhẹ do ảnh hưởng của lũ lụt và cuối năm.

Tính chung 11 tháng, dẫn đầu các nhóm có mức tăng cao vẫn là  thuốc và dịch vụ y tế, tăng tới 18,87%, tiếp đến là nhóm giáo dục tăng 11,68% do việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ. Nhóm hàng có tỷ trọng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 4,57% (thấp hơn so với mức tăng chung) do các mặt hàng lương thực giảm, thực phẩm chỉ tăng dịp Tết Nguyên đán và một vài tháng trở lại đây, nhưng Bộ Công Thương dự báo tháng 12, do vào thời kỳ lạnh của các tỉnh phía Bắc, đồng thời đang vào mùa cưới, chuẩn bị Tết và dịp lễ Noel, Tết Dương lịch nên nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm có xu hướng tăng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết việc tăng giá cuối năm là theo quy luật. Tuy nhiên, hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương về bảo đảm cung cầu hàng hóa cuối năm và dịp Tết Giáp Ngọ. Các địa phương cũng đã có chương trình bình ổn giá tích cực. Trước đây có vài thành phố thực hiện, nhưng nay đã nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Hiện đã có gần 30 tỉnh, thành phố đã gửi báo cáo về dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Một điểm mới năm nay là các DN đã tự huy động vốn để dự trữ hàng hóa chứ không đợi chờ vào ngân sách như trước.

Ngoài ra, tính đến 25/11, tổng giá trị hàng hóa được hỗ trợ theo chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường của các địa phương ước khoảng 839,7 tỷ đồng. Các địa phương cũng tiếp tục chú trọng tới việc phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn, bảo đảm việc tiếp cận nguồn hàng tới mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Theo dự báo, nhu cầu về thực phẩm vào dịp Tết năm nay dự tính tăng khoảng 30%, tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT cho biết, với việc tăng đàn gia súc, gia cầm hiện nay, nguồn cung sẽ được đảm bảo. Tuy tính đến tháng 11 năm nay, đàn lợn giảm, chỉ bằng 99,1% cùng kỳ năm trước, nhưng cả nước đã có 23,6 triệu con lợn, với sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3,3 triệu tấn. Về chăn nuôi gia cầm, cả nước hiện có 317 triệu con, tăng 2,94% so cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 236,4 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm từ đầu năm đến nay đạt 762.300 tấn, tăng 4,05%. Sản lượng trứng gia cầm cũng tăng, đạt 7.422 triệu quả.

Như vậy, nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy vậy, nguồn cung này còn phụ thuộc vào việc kiểm soát tình hình dịch bệnh cuối năm và việc kiểm soát tốt thị trường, không để hàng lậu tràn qua biên giới hoặc xảy ra hiện tượng găm hàng, thiếu hàng cục bộ... Cùng với đó, diễn biến thời tiết cuối năm bất lợi cho việc sinh trưởng của gia súc, gia cầm và các mặt hàng thực phẩm, rau quả, nên nếu không có biện pháp phòng chống sớm, thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi

Vũ Hân
.
.
.