Các “đại gia” chế biến bắt tay nhau ép giá cá tra, cá basa

Thứ Hai, 03/07/2006, 13:30

Giá cá tra, cá basa tại ĐBSCL rớt thê thảm trong khoảng 20 ngày trở lại đây. Thị trường vẫn khan hàng, nhưng các công ty chế biến lại làm khó nông dân, cấu kết với nhau "bẻ kèo", ép giá buộc người dân phải bán cá giá rẻ.

Giá cá phi lê trên thế giới không giảm. Bộ Thương mại dự báo giá cá nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng trong tháng 7 này. Thời điểm dịch lở mồm, long móng đang bùng phát, dịch cúm gia cầm chưa dứt hẳn, thị trường vẫn đang tự tin nhất với các sản phẩm cá, trong đó có cá tra, basa Việt Nam. Các nhà máy chế biến thủy sản đang bị "hụt" cá nguyên liệu đầu vào, có nơi mới "chạy" được 50% công suất. Nhưng có một thực tế tréo ngoe khiến cho người nông dân méo mặt: Giá cá bán ra bị rớt thê thảm trong suốt 20 ngày qua.

"Bẻ kèo", ép giá như cơm bữa!

Chúng tôi về Ô Môn - một trong những vùng trọng điểm của nghề nuôi cá tra, cá basa của TP Cần Thơ. Ghé vào HTX Thới An - một HTX nuôi cá tra, cá basa có diện tích nuôi trên 23.000m2 mặt nước, dù đang vào mùa mưa nhưng các xã viên như đang ngồi trên lửa vì cá đã đến "tuổi" nhưng không thể xuất bán được.

Ban chủ nhiệm HTX Thới An kể, cũng như mọi khi, đầu tháng 5/2006, ký hợp đồng bán 600 tấn cá tra cho một Công ty TNHH H. (đặt tại KCN Mỹ Tho, Tiền Giang), với giá 14.000 đồng/kg nếu giao hàng tại ao, 14.800 đồng/kg nếu giao tại công ty. Đến hẹn, HTX yêu cầu Công ty TNHH H bắt cá thì công ty cho biết "đang thu mua nhiều nơi nên chưa sắp xếp thời gian được"(?) và hẹn "ngày đẹp trời" sẽ đến thu hoạch.

Trong khoảng thời gian này, giá cá tra, basa ở ĐBSCL bỗng rớt giá một cách bất thường.Ông H. - một xã viên của HTX này cho biết, chưa đầy 20 ngày qua, giá cá liên tục sụt giảm, loại từ 14.800 đồng/kg còn 12.700 đồng/kg... (và theo đà có thể tuột xuống thấp hơn nữa).

Cuối tháng 6, lúc cá "tuột dốc" thì đại diện công ty đến HTX đưa ra nhiều "lý do chính đáng" để "bẻ kèo", ép HTX phải chịu bán giá 13.500 đồng/kg, còn nếu không bán, cứ để đó chờ cá lên giá sẽ bắt(?).

Ông H. than: "Cá đã đến cỡ thu hoạch mà không bán được sẽ gặp khó khăn do đầu tư thêm vốn mua thức ăn cho cá, đồng thời, khi cá lớn quá cỡ (loại 1) giá cũng rớt theo. Rơi vào thế kẹt, nên chúng tôi đành chấp nhận bán! Vậy là với giá 13.500 đồng/kg so với giá đã ký kết trong hợp đồng thì chúng tôi mất đứt 300 triệu đồng".

Tương tự, bà Tư, người có diện tích nuôi 16.000m2, hiện có 150 tấn cá đúng chuẩn xuất bán nhưng loay hoay suốt hơn một tuần qua chưa bán được, bức xúc cho biết: Giá cá ngày1/7 tiếp tục rớt xuống còn 12.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi như tôi đây hoảng quá kêu mối lại bán nhưng họ lại làm ra vẻ thờ ơ.

Nhiều hộ dân khác có ao cá nằm dọc theo đoạn sông Hậu nhớ lại: "Khi thành lập CLB 4 nhà", ông Đ. - Giám đốc một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu lớn nhất nhì Cần Thơ hứa trước "bá quan văn võ" rằng, nhà máy sẽ không bỏ người nuôi. Vậy mà giờ đây, chúng tôi gọi điện cả chục lần, ông Giám đốc này chẳng nhấc máy. Đến khi nhấc máy thì lại nói, chưa thể thu mua lúc này được mà chẳng cần lời giải thích nào.

Một người dân cho biết: "Công ty này đã nhiều lần lấy mẫu cá thử và trả giá 12.500 đồng/kg, tui chịu bán thì… công ty nín thinh?". Trước thực tế bất thường này, nhiều nông dân đành ngậm ngùi chấp nhận. Chẳng hạn như ông B., có 170 tấn cá. Không ai chịu mua nên ông "gửi" toàn bộ cho một công ty chế biến tại KCN Trà Nóc (Cần Thơ). "Trả bao nhiêu thì trả vì mình nằm trên thớt rồi" - ông B nghẹn ngào.

Nhà chế biến cấu kết nhau, ép giá nông dân (?!)

Ông Tư - người có trên chục năm nuôi cá tra, cá basa cho biết: Giá cá giảm trong khoảng 20 ngày trở lại đây. Nguyên nhân là do một công ty chế biết thủy sản lớn, có thể gọi gần như là "trùm" khu vực miền Tây này kéo xuống, từ đó ảnh hưởng chung và các công ty khác cũng "ăn theo".

Ông Tư cho biết thêm, cái "chiêu" mà công ty này hay dùng trước khi kéo giá xuống là cho nhân viên đi ký hàng loạt hợp đồng với người nuôi. Đến thời điểm bắt cá, họ viện cớ là giám đốc vừa đi nước ngoài về thông tin rằng, giá cá trên thế giới giảm nên công ty không thể mua với giá như đã hợp đồng với nông dân(?).

Khi nói điều này, họ cũng đưa ra điều kiện, nếu ai không chịu bán thì cứ giữ lại, đợi giá lên thì bán; nếu có khó khăn về vốn công ty sẵn sàng cho mượn với mức lãi suất 2%/tháng, chừng nào bán được cá thì trả lại. Từ đó, các công ty cũng rục rịch hạ giá, người nuôi lại lo sợ, đồng loạt kêu bán cá thì mặc sức công ty … "làm chảnh".

Thực tế diễn biến giá cá trên thị trường thế giới những ngày qua là rất ổn định, nếu không nói là có nhiều tín hiệu đáng mừng. Trên bản tin của Đài THVN, mục thị trường 24 giờ hồi cuối tháng 6 cho biết, giá cá thị trường vẫn cao hơn mức 3,4 USD/kg philê, thậm chí có lúc lên trên 5 USD/kg. Theo dự báo của Trung tâm Thông tin thương mại, Bộ Thương mại Việt Nam, giá cá nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6 và tháng 7 do thị trường tiếp tục mở rộng, nhu cầu của các doanh nghiệp gia tăng.

Theo ông Phạm Văn Danh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), tại thời điểm dịch lở mồm, long móng bùng phát, dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng, thị trường nước ngoài, đặc biệt thị trường Đông Âu tăng cường ăn mặt hàng cá, trong đó có cá tra, basa Việt Nam với sản lượng lớn, giá rất cao. Ông Danh khuyến cáo, người nuôi cá hãy bình tĩnh, không nên chạy theo phong trào, bán đổ, bán tháo làm cho giá cá tiếp tục sụt giảm, nguy cơ lỗ tăng lên.

Một thông tin khác mà chúng tôi vừa có được. Đó là hiện ở ĐBSCL, nguồn cung vẫn chưa vượt cầu. Tại An Giang, các doanh nghiệp mỗi ngày cần khoảng 700 tấn cá nguyên liệu nhưng chỉ đáp ứng chưa tới 80%. Tại Cần Thơ, một thông tin khác cho biết, sản lượng cá nguyên liệu đầu vào chỉ đáp ứng trên 50% công suất tiêu thụ của các nhà máy.

Ông Danh dự báo thêm: Tháng 9/2006 tới đây, sản lượng các thu hoạch mới tăng lên nhưng vẫn không đủ đáp ứng tối đa nhu cầu của các nhà máy hiện có tại ĐBSCL. Giá cá nguyên liệu nếu có sụt giảm thì cũng không rơi vào tình trạng thảm hại như những năm trước đây

Thái Bình – Nam Giao
.
.
.