Thông tin tiếp về trường hợp "cô gái" biến thành "bà lão" do căn bệnh lạ tại TP Hội An:

Các chuyên gia đầu ngành về da liễu "bắt bệnh" cho chị Mai

Thứ Tư, 26/10/2011, 08:46
Như Báo CAND đã thông tin, trước căn bệnh "lạ" mà chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (27 tuổi, ở TP Hội An) mắc phải làm chị già trước tuổi, vào sáng 25/10, hơn 20 bác sĩ đầu ngành về da liễu và nội tiết tố đã tham gia cuộc hội chẩn bệnh của cô gái trở thành "bà lão" này tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ (Đà Nẵng).

Vào sáng 25/10, hơn 20 bác sĩ, chuyên gia đầu ngành nội tiết, da liễu, tim mạch… đến từ các bệnh viện lớn tại khu vực thuộc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Quân Y C17, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, phòng khám Hoàn Mỹ tại Huế, Sở Y tế Đà Nẵng, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) và Bệnh viện Hoàn Mỹ TP Hồ Chí Minh đã tham gia hội chẩn cho chị Mai.

Sau khi thăm, khám ban đầu trực tiếp trên bệnh nhân, nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi, mang tính phản biện cao được các chuyên gia, bác sĩ bàn luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề xác định phạm vi "lão hóa", tiếp cận bệnh chính, các xu hướng cần theo dõi, kiểm tra, xác nhận nguyên nhân gây bệnh cùng thể trạng hiện tại bệnh nhân…

Theo ý kiến của các bác sỹ Bệnh viện C17 thì vấn đề đặt ra là tại sao da của chị Mai bị lão hóa sớm như vậy (từ năm 12 tuổi - PV)? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Còn đại diện của Bệnh viện 199 (Bộ Công an) thì cho rằng bệnh dị ứng da này không đơn giản. Đã có nhiều trường hợp bị lão hóa da nhưng chữa không khỏi; đặc biệt người dân ở những vùng sâu, vùng xa thường mắc phải bệnh dị ứng da này.

Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ tổ chức hội chẩn về bệnh của chị Mai.

Riêng Tiến sỹ Khoa học Ngô Hồng Phong, chuyên Khoa Da liễu, trước sau như một vẫn cho rằng bệnh của chị Mai cơ bản là bị lão hóa da, bệnh nhân lạm dụng thuốc kéo dài trong một thời gian. Còn TS.BS Trần Bá Thoại, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng thì hiện sức khỏe của chị Mai so với 3 ngày trước khi nhập viện đã khá hơn nhiều.

"Sau 3 ngày nhập viện, chị Mai được chúng tôi tiến hành truyền dịch, bổ sung đạm, protein, giúp chị Mai có thể trạng tốt và tạo tâm lý tin tưởng trong điều trị. Hiện da dẻ chị Mai đã hồng hào, khác hẳn những ngày chưa nhập viện", BS Thoại nói.

Mặc dầu có nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình với hướng chẩn đoán bệnh theo dõi bệnh dị ứng. Nhưng PGS.TS Trần Thị Minh Diễm, Chủ nhiệm bộ môn miễn dịch học (ĐH Y Huế) thì: Cần cân nhắc bệnh viêm da dị ứng, nhưng phải xem xét khả năng bệnh nhân có thể mắc bệnh tế bào mast (mastocytosis, dưỡng bào, tế bào bón). Nhiều biểu hiện tổn thương da và các tiền sử bệnh án của bệnh nhân khá trùng với loại bệnh này. TS. Thoại cũng thiên về phương án cần theo dõi bệnh mast.

Bác sĩ khám bệnh cho chị Mai sáng 25/10.

Theo TS. Thoại: Bệnh tế bào mast có hai loại nếu tập trung ở da gọi là bệnh tế bào mast tại da, hoặc xâm nhập vào các cơ quan khác da gọi là bệnh tế bào mast hệ thống. Trong đó, bệnh tế bào mast tại da chiếm đến 90% số ca mắc bệnh, với nhiều biểu hiện: mề đay đa sắc tố, u tế bào mast đơn độc, đỏ da lan rộng. Như các biểu hiện tổn thương da được nêu bệnh nhân có nhiều điểm tương đồng.

Để tạo cơ sở chẩn đoán bệnh này, theo các bác sĩ cần tiến hành thêm hàng loạt các xét nghiệm chuyên khoa sâu như sinh thiết da, sinh thiết tủy xương và các xét nghiệm labo khác. Vấn đề suy kiệt thể trạng bệnh nhân, các chuyên gia cho rằng: Cần theo dõi biến chứng của bệnh gây nên do thiếu protein năng lượng kéo dài, các chế độ ăn không đảm bảo. PGS.TS Diễm cũng cho hay: Trong trường hợp theo dõi bệnh tế bào mast cần để ý khả năng tế bào mast gây kém hấp thu các chất trong cơ thể, giảm khả năng của các cơ quan chức năng…

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ tranh luận và mổ xẻ, các bác sỹ cho rằng bệnh chính của chị Mai vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, hướng điều trị cho chị Mai cần dưỡng da, theo dõi bệnh về da, tế bào mắt… Ngoài ra, theo dõi các bệnh kèm như dị ứng thuốc mà chị Mai đã uống trong thời gian mắc bệnh…

Như vậy, "bệnh lạ" của chị Mai vẫn chưa hoàn toàn có được lý giải cuối cùng

Hoài Thu
.
.
.