Cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục “vượt cạn”
- Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam
- Việt Nam không bán phá giá mặt hàng filet cá tra, cá basa
Dọc theo sông Tiền, sông Hậu là vùng nuôi chủ lực cá tra, cá basa, trong đó, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ là 3 địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất. Hàng ngàn hộ nuôi cá tra ở các địa phương đang lo lắng về những tác động từ quy định mới của phía Bộ Nông nghiệp Mỹ. Những qui định mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ về: “tương đồng vùng nuôi, xử lý nước đầu vào”, thật ra là một cách nhằm khống chế số lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. |
Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA): người nuôi cá tra ở ĐBSCL không nhận diện và hình dung được những qui định và tác động tiêu cực do phía Mỹ đưa ra mới đây. Vì vậy, việc các cơ quan hữu quan phải nhanh chóng tuyên truyền để nông dân nuôi cá chủ động ứng phó với tình hình mới.
Còn theo TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra: Quy định này vi phạm tự do thương mại của WTO, tác hại xấu đến người nuôi cá và lao động trong lĩnh vực chế biến. Song không chỉ có người nuôi cá ĐBSCL ảnh hưởng về thu nhập mà còn ảnh hưởng đến một bộ phận người lao động của Mỹ - những người trực tiếp chế biến, tạo giá trị gia tăng cho cá tra Việt Nam trên đất Mỹ. TS Võ Hùng Dũng, chỉ ra: “Đây là chuỗi thiệt hại lớn cho cả hai phía.
Quan trọng hơn quy định này đi ngược với xu hướng thị trường thương mại tự do của Mỹ. Đây là rào cản đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam trên đất Mỹ”. Song, nhiều doanh nghiệp (DN) tỏ ra khá bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin. Họ cho rằng, một số DN nhỏ sản xuất chưa chuyên nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Còn các DN có vùng nuôi, nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế thì sự khác biệt với phía Mỹ không lớn. Đây là phản ứng khá tích cực của DN chế biến cá tra Việt Nam khi đã tích lũy những kinh nghiệm trước sóng gió thương trường.
Dù đối diện không ít lần kiện tụng của nước ngoài thông qua các “hàng rào kỹ thuật”, nhưng cá tra vẫn là mặt hàng chiến lược xuất khẩu của Việt Nam. Việc đấu tranh, thương thảo để hạn chế những rủi ro, thiệt hại do phía Mỹ đưa ra là việc làm cần thiết. Song, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là cơ hội để nghề nuôi và ngành chế biến cá tra ĐBSCL “soi” lại chính mình. Thực tế, ngay trong nội bộ ngành chế biến xuất khẩu vẫn còn những lục đục, tranh giành thiếu lành mạnh. Đây là hệ lụy từ sự phát triển “nóng” thiếu kiểm soát từ vùng nuôi đến các nhà máy chế biến thủy sản.
Thực tế, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có những hành động thiết thực để từng bước đưa vùng nuôi cá tra vào tầm kiểm soát và phát triển ổn định. Cụ thể là triển khai thực hiện Nghị định 36, hiện trạng vùng nuôi nguyên liệu cá tra đã có bước tiến đáng kể khi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra theo qui định của Nghị định 36. Đến nay đã có khoảng 200 DN xuất khẩu với 15.000 hồ sơ đăng ký xuất khẩu trên 500.000 tấn. Từ tháng 6-2015 đến nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu đã gắn được “bộ định vị” cho con cá tra ĐBSCL. Theo đó, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra đã giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo sự công khai, minh bạch đối với thị trường cá tra và tăng thêm lợi ích cho các DN chế biến, xuất khẩu lẫn hộ nuôi.