CPTPP - EVFTA và câu chuyện cải cách thể chế
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA sẽ là sự cộng hưởng và động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững trong năm 2020. Tuy nhiên, để hội nhập thành công thì nội tại Việt Nam cũng cần quan tâm cải cách thể chế.
Các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Ảnh: CTV. |
PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng với TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) về vấn đề cải cách thể chế từ CPTPP – EVFTA, sự tác động của 2 Hiệp định này tới kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp (DN).
PV: Khi thực hiện CPTPP, EVFTA thì sức ép về cải cách thể chế đối với Việt Nam là rất lớn. Vậy, theo bà, hiện nay, Việt Nam đã cải cách được những gì và tiến độ thực hiện những cải cách này tới đâu?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Tôi cho rằng cần phải nhìn nhận từ cả hai góc độ, cải cách thể chế theo yêu cầu của cam kết và cải cách thể chế nằm ngoài các cam kết, theo yêu cầu nội tại của chính chúng ta.
Nếu là cải cách thể chế theo yêu cầu cam kết, trong năm đầu tiên thực hiện CPTPP, điểm cộng là chúng ta cơ bản đã hoàn thành nghĩa vụ nội luật hóa và tổ chức thực hiện các cam kết cho năm đầu CPTPP. Tuy nhiên, điểm trừ là tất cả các nỗ lực này đều chậm so với thời hạn ta cam kết.
Ví dụ Nghị định về Biểu thuế quan ưu đãi theo CPTPP ban hành chậm 5 tháng, Thông tư về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu theo CPTPP chậm 9 tháng, thậm chí một vài văn bản đến nay vẫn còn chưa ban hành, một số văn bản vừa ban hành đã có vướng mắc.
Nếu nói về cải cách thể chế để Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn các lợi ích từ FTA và nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, theo quan sát của tôi thì hình như chúng ta hầu như chưa quan tâm tới điều này. Cũng may là Chính phủ vẫn tiếp tục triển khai rất quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại đã khởi xướng từ mấy năm nay. Triển khai tốt các giải pháp này cũng sẽ mang lại hiệu quả thúc đẩy tận dụng CPTPP, EVFTA. Dù vậy, nếu được thiết kế gắn với các hiệp định này, lấy các tiêu chuẩn, định hướng từ các cam kết liên quan thì hiệu quả có lẽ sẽ tốt hơn.
PV: Theo bà, vấn đề khó nhất hiện nay trong thực hiện cải cách thể chế là gì? Vướng nhất ở đâu?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Tôi nghĩ về thể chế, các bất cập ở từng khía cạnh, lĩnh vực đã được chỉ ra, nguyên nhân cũng được xác định, thậm chí các giải pháp cũng đã được nhận diện tương đối cụ thể. Vấn đề khó nhất có lẽ làm cách nào để cải cách triệt để, đừng chỉ làm cho có, và để cải cách đồng bộ, đừng mở chỗ này thắt chỗ khác.
PV: Việt Nam tham gia hội nhập sâu, với CPTPP và EVFTA được coi là “cú hích” không chỉ cho xuất khẩu mà còn cả chiều nhập khẩu và thị trường nội địa. Để tận dụng được cơ hội này, theo bà, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì, đặc biệt là từ góc độ thể chế?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Trong các FTA, chúng ta đúng là hay nói nhiều tới xuất khẩu và việc khai thác lợi ích từ thị trường của đối tác. Còn ở thị trường trong nước, ta thường nhìn các tác động FTA ở góc độ tiêu cực.
Trên thực tế, lợi ích từ việc mở cửa thị trường trong nước cho hàng hóa, dịch vụ của các đối tác cũng là rất đáng kể. Ví dụ với CPTPP và EVFTA, mở cửa thị trường cho phép doanh nghiệp của chúng ta có thể mua máy móc, thiết bị, công nghệ từ các đối tác có công nghệ nguồn với giá rẻ hơn, có thể tiếp cận các dịch vụ phục vụ sản xuất tốt hơn, giá cả dễ chịu hơn (như logistics, viễn thông…), từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với các DN phải cạnh tranh trực tiếp với đối tác mạnh từ CPTPP hay EU, mặc dù kinh doanh sẽ vất vả hơn, nhưng đây cũng là sức ép tốt để chúng ta nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, chinh phục khách hàng nội địa. Đây là cơ sở để DN có thể hội nhập ngay trên sân nhà, qua việc khai thác triệt để thị trường gần 100 triệu dân cực kỳ hấp dẫn của chính chúng ta.
PV: Trong các cam kết khi thực hiện CPTPP và EVFTA thì vấn đề về lao động, môi trường, nguyên tắc xuất xứ rất quan trọng. Theo nhìn nhận của bà, thì hiện nay vấn đề này đã được Việt Nam chuẩn bị như thế nào để bước vào sân chơi này?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Thực ra ở đây có 2 chuyện khá khác biệt. Can thiệp từ góc độ thể chế cho mỗi chuyện cũng rất khác nhau.
Ở mỗi FTA, mỗi loại hàng hóa có quy tắc xuất xứ khác nhau, cho nên việc đáp ứng hay không các quy tắc là chuyện của từng DN sản xuất hàng hóa đó. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ việc này, nhưng chủ yếu là thông qua các chính sách, hành động để tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ ở trong nước. DN sản xuất mà có thể mua phần lớn nguyên phụ liệu từ trong nước thì chuyện đáp ứng quy tắc xuất xứ sẽ không còn là thách thức nữa.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI). |
Các cam kết về lao động hay môi trường thì là điểm riêng có của hai FTA thế hệ mới này. Những cam kết này ảnh hưởng trực tiếp tới thể chế pháp lý của Việt Nam, ràng buộc chúng ta không chỉ trong việc sửa đổi các quy định liên quan hiện tại mà cả trong tương lai. Việc thực hiện các cam kết này tác động không chỉ tới thể chế mà tới từng DN sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.
Về phía nhà nước, các yêu cầu của cam kết đang được đưa vào pháp luật nội địa, ví dụ Bộ luật Lao động mới vừa rồi đã nội luật hóa các cam kết quan trọng về lao động, đặc biệt là cam kết về quyền tự do liên kết – tức là quyền tự do thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Với DN, việc thực hiện các quy định mới, theo hướng tiêu chuẩn ngày càng cao về lao động, môi trường… có thể sẽ vất vả, mất thêm chi phí. Mặc dù vậy, việc thực hiện các yêu cầu này cũng bảo chứng cho hàng hóa của doanh nghiệp khi xuất khẩu, và là cơ sở để DN có thể phát triển bền vững lâu dài.
PV: Trong EVFTA, các cam kết về mua sắm công nhận được sự quan tâm lớn trong đàm phán. Vậy, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Mua sắm công cũng là mảng cam kết lần đầu tiên có trong CPTPP và EVFTA, chưa từng xuất hiện trong bất kỳ FTA nào trước đây.
Cam kết về mua sắm công có 2 nhóm riêng biệt: một là nhóm cam kết về mở cửa thị trường, gồm các gói thầu buộc phải mở cho các nhà thầu đối tác tham gia; và hai là nhóm cam kết về quy tắc, liên quan tới các quy trình, cách thức đấu thầu cho các gói thầu thuộc diện mở cửa nói trên.
Với cam kết về mua sắm công, các DN Việt Nam có cơ hội tham gia thị trường mua sắm công cực kỳ lớn của các nước CPTPP hay EU. Đồng thời, các DN Việt Nam ở trong nước cũng sẽ phải cạnh tranh với các nhà thầu đến từ các đối tác chứ không phải một mình một chợ như từ trước tới nay.
Từ khía cạnh thể chế, mặc dù chỉ cam kết với các đối tác CPTPP và EU, nhưng Việt Nam có thể và nên xem xét đưa các nội dung về quy trình, thủ tục đấu thầu trong hai Hiệp định này vào pháp luật chung về đấu thầu.
Theo cách này, không chỉ các gói thầu mở cửa theo CPTPP hay EU mà tất cả các gói thầu mua sắm công ở Việt Nam cũng sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc hiện đại này. Qua đó, hoạt động đấu thầu sẽ cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cả nhà thầu, đơn vị mời thầu và ngân sách nhà nước.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!