CPI tháng 8 tăng cao do giá dịch vụ y tế và giá thực phẩm tăng
- CPI tăng nhanh do tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục
- CPI đang gánh chịu những khoản phí, thuế không đáng có trong giá thành
- CPI “chịu trận” vì y tế, giáo dục tăng giá
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá: thuốc và dịch vụ y tế là nhóm tăng cao nhất 2,86%; tiếp đến là giao thông tăng 2,13%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93%; giáo dục tăng 0,57%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,09%... Có một nhóm giảm: bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, chỉ số CPI tháng 8 năm 2017 có mức tăng khá cao do một số nguyên nhân chủ yếu sau: chỉ số giá nhóm thực phẩm tiếp tục tăng cao do giá thịt lợn tăng với mức tăng khá cao, bình quân giá thịt lợn tăng 5,72% so với tháng trước, theo đó giá các loại thực phẩm chế biến từ thịt cũng tăng theo.
Đối với nhóm dịch vụ y tế, đây là nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tăng theo các quyết định của UBND của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02/2017 của Bộ Y tế, nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,72% góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,14%...
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2017, Tổng cục Thống kê dự báo sẽ tăng so với tháng trước. Yếu tố giúp CPI tăng là giá thịt lợn, giá rau xanh, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế; học phí các cấp học từ mầm non đến đại học tăng; nhu cầu về sách vở và đồ dùng học tập tăng; giá dịch vụ tăng do ảnh hưởng kỳ nghỉ lễ 2-9. Tuy nhiên, cũng sẽ có yếu tố giúp CPI giảm là do giá vật liệu xây dựng có thể giảm do nhu cầu giảm cùng với giá cát giảm.