CPH doanh nghiệp Nhà nước ở Hà Nội: Chậm vì sao?

Thứ Ba, 22/08/2006, 13:24

Từng được đánh giá là khá thành công trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nhưng thời gian gần đây, tiến trình cổ phần hóa DNNN tại Hà Nội đang chững lại.

Rào cản rõ nét nhất có thể thấy trong 6 tháng qua, là nhiều DN có quỹ nhà đất lớn, vị trí đẹp nhưng vốn không có giải pháp khai thác hiệu quả, lại muốn giữ lại toàn bộ quỹ đất đai, nhà xưởng đó bằng "chiêu" xây dựng vốn điều lệ thấp hơn rất nhiều so với thực tế để hạn chế số lượng cổ phần bán ra bên ngoài.

Riêng tại Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Thường trực Ban đổi mới DNNN sau quá nhiều phức tạp kéo dài đã phải ban hành Công văn 4226/ STC-TCDN đề xuất với UBND thành phố xử lý dứt điểm các cửa hàng thương mại của doanh nghiệp này. Theo tinh thần công văn, những cửa hàng có diện tích dưới 100m2 độc lập, không phù hợp với quy mô của doanh nghiệp thì nên tổ chức đấu giá tạo nguồn thu nộp ngân sách để tái đầu tư.

Ngoài ra, những khu vực có quỹ đất lớn, vị trí "đắc địa" thì nghiên cứu giao Tổng Công ty để phát triển kinh doanh lớn hoặc tạo ra các trung tâm thương mại có ý nghĩa xã hội cao hơn. Nghĩa là qua quá trình cổ phần hóa DN, phải có sự sắp xếp điều chỉnh sao cho khai thác hiệu quả nhất các tiềm năng nhà xưởng, đất đai, lao động.

Tuy nhiên, khi vấn đề được nêu ra thì vẫn có nhiều ý kiến không đồng thuận. Tâm lý chung của cán bộ, nhân viên đang quản lý các DN kiểu này thì không muốn "buông" khối tài sản đó, nhưng lại không đưa ra được phương án kinh doanh hiệu quả phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, còn một số nhà quản lý thì lưỡng lự vì chưa thấy rõ kết quả của sự chuyển đổi này.

Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp như: Công ty Khai thác điểm đỗ, Công ty Quản lý bến xe, Công ty Thương mại dịch vụ thời trang, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản, Công ty Thương mại dịch vụ Tràng Thi... đang trong quá trình cổ phần hóa thì "tắc" vì không có hướng xử lý tài sản thuộc quỹ nhà đất và hệ thống màng lưới kinh doanh thương mại, đặc biệt là những vị trí có lợi thế thương mại cao.

Tại gần chục đơn vị có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp, cơ quan Công an đang tiến hành điều tra nhưng chưa thể kết thúc như Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, Công ty XNK xây dựng nông lâm nghiệp... Do vậy, chưa thể có đủ căn cứ để hoàn tất công tác cổ phần.

Ngoài những nguyên nhân thuộc về chủ quan DN như quyết toán thuế, quyết toán tài chính chậm, dẫn đến việc xác định giá trị DN không đúng kế hoạch, lỗ lũy kế của DN quá lớn chưa có hướng giải quyết... thì còn một nguyên nhân thuộc về chính sách đó là chậm có chủ trương xử lý hàng ngàn lao động dư dôi. Tâm lý chờ đợi chỉ chấm dứt khi Chính phủ có Nghị quyết số 06/2006/NQ-CP và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 1696/LĐTBXH-LĐVL về việc giải quyết số lao động dư dôi theo Nghị định 41/CP năm 2002.

Tất cả những nguyên nhân đó đã dẫn đến kết quả: Tiến độ sắp xếp cổ phần hóa DN 6 tháng đầu năm 2006 của Hà Nội là rất chậm so với kế hoạch. Thực tế 6 tháng qua mới hoàn thành cổ phần hóa 9 DN, chuyển 5 DN sang công ty TNHH Nhà nước một thành viên; chỉ đạo công tác bán cổ phần và tổ chức đại hội cổ đông 30 DN, phê duyệt phương án cổ phần 9 DN; thẩm định báo cáo quyết toán kinh phí giải quyết lao động dư dôi cho trên 50 DN...

Nhận xét, đánh giá về nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa chậm, các chuyên viên Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Cái chính là tâm lý không muốn cổ phần hóa của nhiều chủ DN. Từ đó nhiều DN đã chủ động xây dựng vốn điều lệ rất thấp so với thực tế để hạn chế số cổ phần bán ra bên ngoài. Cán bộ theo dõi cổ phần hóa đã phát hiện và yêu cầu đánh giá lại trước khi cổ phần.

Bên cạnh đó, một số điểm của Nghị định 187/2004/NĐ-CP và Thông tư 126/2004/TT-BTC chưa phù hợp, đặc biệt là việc tính toán giá trị quyền sử dụng đất của các dự án xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê vào giá trị DN cổ phần hóa trong trưòng hợp các dự án này đã chịu sự điều tiết của thành phố theo các quy định của Luật Đất đai cũ. Đây là những nguyên nhân điển hình cần sớm khắc phục, nếu muốn thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN của Hà Nội đi đúng hướng và đạt kết quả mong muốn

Khánh Chi
.
.
.