CNY vượt ngưỡng 7, VND bị tác động ra sao?

Thứ Sáu, 09/08/2019, 08:35
Ngày 5-8, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) đã chính thức vượt ngưỡng tâm lý 7 CNY đổi 1 USD. Đây là ngưỡng cản quan trọng mà thị trường tài chính Trung Quốc đã duy trì trong suốt 11 năm qua. Vậy, đồng Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào? Liệu tỷ giá có giữ được trong biên độ đề ra?


Thị trường tài chính trong nước ngày 7-8 ghi nhận mức đỉnh mới của tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đồng đô la Mỹ (USD) khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nâng lên 2 đồng so với phiên liền trước. Cụ thể, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.117 VND/USD, cao nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được áp dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2016.

Tại 2 phiên trước đó, tỷ giá này đã tăng lần lượt 10 đồng và 5 đồng, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức 6,9225 CNY/USD khiến đồng CNY trên thị trường xuyên thủng mốc 7 CNY "ăn" 1 USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng tổng cộng 289 đồng mỗi USD, tương ứng mức tăng 1,27%.

Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều dư địa để điều hành tỷ giá.

Dù trên thị trường, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại ngày 7-8 hạ nhiệt, song, câu chuyện tỷ giá chịu sức ép từ việc đồng CNY mất giá được nhiều chuyên gia quan tâm, phân tích. Nhóm nghiên cứu đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, ngưỡng 7 CNY/USD được giới đầu tư đánh giá là một ngưỡng cản tâm lý mang tính nhạy cảm và đã được giữ ngay cả khi xung đột thương mại Mỹ-Trung bùng phát với đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ vào tháng 6 năm ngoái.

Việc ông Trump đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ đầu tháng 9 tới là nguyên nhân chính kích hoạt đà giảm mạnh trở lại của CNY. Theo đánh giá của BVSC, trước khó khăn từ thương mại với Mỹ, Trung Quốc cũng ít nhiều có động lực để cho đồng CNY giảm giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu nhưng Trung Quốc cũng hoàn toàn không muốn một kịch bản giảm giá mạnh của đồng nội tệ. Trong ngắn hạn, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sớm có các biện pháp nhằm ổn định lại tâm lý và làm “mềm” lại dao động của CNY.

“Tuy vậy, việc tỷ giá CNY/USD xuyên qua mức 7 sẽ khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi khác ít nhiều chịu áp lực”, BVSC nhận định.

Với riêng đồng Việt Nam, theo các chuyên gia đến từ Bộ phận Nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) thì trong bối cảnh quốc tế ổn định trước đó cùng với nguồn cung USD khá dồi dào giúp đồng VND có 7 tuần hồi phục, quay trở về mức tỷ giá tương đương thời điểm cuối năm 2018. NHNN cũng mua vào thêm ngoại tệ cho dự trữ.

“Trong suốt giai đoạn này, tỷ giá trung tâm vẫn theo chiều hướng đi lên- diễn biến này cho thấy sự nhất quán trong điều hành của NHNN để có thể ứng phó với những diễn biến bất ngờ từ bên ngoài. Không phủ nhận áp lực quốc tế bất ngờ gia tăng và sự mất giá mạnh của CNY hiện tại sẽ tạo áp lực nhất định lên VND, tuy nhiên, với nhiều dư địa chính sách tiền tệ cùng nguồn dự trữ và nguồn cung ngoại tệ trong nước, tỷ giá VND/USD nếu có biến động sẽ nằm trong vùng dao động của đợt biến động cuối tháng 5 đầu tháng 6 (tức là vùng từ 23.250 đồng đến 23.350 đồng/USD)”, SSI nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế- TS Cấn Văn Lực cảnh báo Việt Nam cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, kiên định chính sách điều hành tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, không nên để cuốn vào dòng xoáy của chiến tranh tiền tệ.

“Thứ nhất, chính sách tỷ giá của chúng ta không có tác động nhiều đến xuất khẩu hay thương mại do cấu trúc nền kinh tế. Thứ hai, mỗi khi thay đổi chính sách tỷ giá thì phải tính toán tổng hoà, phải tính tác động nhiều mặt của nền kinh tế chứ không riêng gì hoạt động thương mại.

Thứ ba, Việt Nam đã bị Mỹ liệt kê vào danh sách của những nước bị theo dõi, giám sát về thao túng tiền tệ, vì thế chúng ta càng phải kiên định chính sách về tỷ giá hối đoái như thời gian vừa qua. Cuối cùng, ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá luôn luôn là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam”, TS Lực nói.

Hà An
.
.
.